Địa điểm du lịch Kênh gym

Đèo Mã Pí Lèng, gieo mầm nơi hiểm địa

23/05/2017 - 2410 view
Đèo Mã Pí Lèng, gieo mầm nơi hiểm địa

“Sống trên đá, chết nằm trong đá” là câu nói nhiều người hay nhắc đến cuộc sống của người dân Cao nguyên đá. Còn với tôi, sau những lần trải nghiệm Miền đá, có một điều ngỡ ngàng hơn, đó là việc người dân 2 bên hẻm vực Tu Sản và dưới chân đèo Mã Pí Lèng Hà Giang đang nắm giữ một “kỷ lục” không ai muốn, họ canh tác, sinh sống tại một trong những nơi “hiểm địa” nhất Việt Nam. Có tận đứng trên Đại hùng quan Mã Pì Lèng mùa trồng ngô, mới cảm nhận được “khúc tráng ca” về một cuộc sống bình thường đến phi thường của đồng bào Mông nơi đây.

Ai đã từng vượt đèo Mã Pí Lèng, chắc hẳn sẽ có chung cảm nhận, đó là một cảm giác rờn rợn bởi độ sâu khoảng 800m của hẻm vực Tu Sản. Có người qua đây còn không dám nhìn xuống cái độ sâu chứa đầy kỷ lục ấy. Kiến tạo địa chất độc đáo cùng với độ sâu thuôc loại nhất Đông Nam Á, khiến các chuyên gia lựa chọn hình ảnh hẻm vực Tu Sản để xây dựng biểu tượng cho Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Đèo Mã Pí Lèng là đoạn thi công khó khăn nhất trên tuyến đường Hạnh Phúc huyền thoại xuyên Cao nguyên đá, dài 180km, được làm từ giữa thế kỷ XX. Đèo cao, vực sâu, khó khăn là vậy, nhưng biết bao thế hệ người Mông đã và đang kiên cường canh tác ở nơi “hiểm địa” nhất Việt Nam. Cá nhân tôi được đến nhiều vùng, miền trong cả nước, nhưng chưa thấy chỗ nào người dân lại canh tác ở điều kiện khó khăn, “hiểm địa” như ở đây. Một số người cho rằng, đây có thể là nơi canh tác “hiểm địa” nhất thế giới!. Quả thực khi nhìn 2 bên sườn hẻm vực vào mùa trồng ngô, có thể thấy sức sống mãnh liệt trên những sườn núi như dựng đứng. Ở nơi đây, người dân bám vực, bập vào đá để tra từng hạt ngô vào nơi “hiểm địa”. Nó như một cuộc gieo mầm sống trên “đất chết”, một đỉnh cao về tinh thần chinh phục thiên nhiên của đồng bào Mông.

Nhiều lần tôi cất công lên Mã Pì Lèng, để được thực tế về mùa canh tác ở nơi “hiểm địa” nhất Việt Nam. Đó thực sự là những chuyến đi đến một nơi bình thường đến rợn người và một cuộc sống bình dị đến phi thường của người dân. Đứng trên cái sống mũi ngựa của đèo Mã Pí Lèng, có thể nhận thấy hoạt động canh tác bám quanh 2 bên hẻm vực Tu Sản và vực đèo của đồng bào Mông các xã Pả Vi, Pải Lủng, Xín Cái và Thượng Phùng của Mèo Vạc.

Chẳng biết tự bao giờ trên mảnh đất cằn và hoang lạnh này đã hình thành những vạt nương “treo” 2 bên hẻm vực. Nhưng giờ nó đã trở thành một phương thức canh tác còn đặc biệt hơn cả “thổ canh hốc đá” trên Cao nguyên đá. Nói về canh tác trên đất dốc ở Hà Giang, mọi người vẫn thường nói đến các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần. Nhưng ở đó độ dốc, cao cùng lắm cũng chỉ độ vài chục mét, đến trăm mét. Còn ở khu vực đèo Mã Pí Lèng, người dân vừa canh tác trên đất dốc, vừa “thổ canh hốc đá” với hẻm vực chỗ sâu nhất khoảng 800 mét và những chỗ bình thường cũng sâu hàng trăm mét. Địa hình núi đá ở đây được phủ một lớp đất bì không quá dày, có những nương nằm trên mặt trượt dốc đến rợn người.

Tháng 5 là thời điểm bà con đang mùa vun ngô, những cây ngô dù bám rễ ở một nơi khó nhất Việt Nam, nhưng vẫn vươn lên xanh tốt đến kỳ lạ. Bà con cho biết, phải là giống ngô địa phương, thân nhỏ, lá nhỏ, cao độ 60 - 70cm là đã có bắp thì mới sống được ở địa hình đặc biệt này. Vì thế, không chỉ con người mà cây ngô cũng thật kiên cường khi nảy mầm sinh sôi trên mảnh đất nghèo, khô cằn bên hẻm vực. Bám vào một nương ngô bên sườn vực, nhìn xuống phía dưới sâu hun hút, những ngôi nhà lợp phi bờ rô, những con đường nhựa bị độ cao thu lại nhỏ xíu khiến ta có cảm giác như đang ngồi trên máy bay nhìn xuống vậy.

Trao đổi với các ngành chức năng của huyện Mèo Vạc và một số xã, được biết, bám quanh hẻm vực Tu Sản và đèo Mã Pí Lèng gồm có các thôn: Mã Pì Lèng, Há Súng của xã Pả Vi và xóm Mã Pì Lèng của xã Pải Lủng; xóm Lủng Chư của xã Thượng Phùng và xóm Bờ Sông của xã Xín Cái. Diện tích canh tác bám quanh hẻm vực ước chừng 100 ha. Cây trồng hầu hết là ngô và một ít diện tích trồng cỏ chăn nuôi. Cây ngô nơi đây canh tác duy nhất một vụ trong năm. Trên 90% diện tích quanh hẻm vực này đều có độ dốc cực lớn, với hình ảnh rất cụ thể là khi làm nương, đầu người dưới chạm chân người trên, những vạt nương ấy cho ta cảm giác đầy trắc trở. Khi qua đây, nhìn hình ảnh bà con bám mình trên nương ngô trước miệng vực, có cảm tưởng như họ đang cùng với vạt nương của mình bay lơ lửng giữa không trung vậy. Bởi thế, lối canh tác ở đây có thể được xem như đỉnh cao chinh phục thiên nhiên trên Cao nguyên đá.

Bên hẻm vực, tôi gặp Giàng Mí Hờ, 37 tuổi, ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi đang mải miết làm nương. Hờ cho biết: Mã Pì Lèng có 2 xóm là Mã Pì Lèng A và Mã Pì Lèng B với 80 hộ dân, hầu như nhà nào cũng có nương bên hẻm vực. Trước đây mình có thời gian 5 năm làm công an viên của thôn, làm nương vất vả quá nên xin nghỉ. Mỗi năm nhà trồng từ 4 - 5kg ngô giống. Cái miệng ăn ngày càng tăng lên, đất ngày càng ít đi, vì thế đất “treo” miệng vực cũng phải làm. Xưa nay, con gái ai chả muốn chọn về nhà chồng có ít đất để trồng cây lanh, nhà nào không có nương thì con trai khó lấy vợ lắm!.

Vượt qua thôn Mã Pì Lèng của xã Pả Vi, sang đến thôn cùng tên Mã Pì Lèng của xã Pải Lủng, chúng tôi gặp Giàng Mí Súa. Súa nói, nhà mình cùng nhiều hộ không chỉ làm nương ở hẻm đèo Mã Pí Lèng mà hàng ngày còn chăn dê, cắt cây cỏ bên vực về nuôi bò. Nhà có 6 khẩu, không làm không có cái cho vào bụng. Sống ở đây trẻ con thấy vực cũng sợ lắm, nhưng lâu thành quen thôi. Sau vụ, bán được hạt ngô, con dê mới có tiền mua quần áo cho 3 đứa trẻ đến trường được. Súa cũng cho biết, khu vực canh tác nguy hiểm, những năm về trước từng có vài phụ nữ và đàn ông trong lúc làm nương, lấy cỏ cho bò, sơ sẩy trượt chân xuống vực hoặc bị “đá mồ côi” rơi, lăn trúng người. Nghe đến đây mới thấy bắp ngô, con bò ở đây trở thành những sản phẩm nông nghiệp thật “đặc biệt”, được đánh đổi cả sự an nguy của người nông dân.

Các anh Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy và anh Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc tâm sự với tôi, Mèo Vạc với ¾ là đá, rất thiếu đất canh tác. Vì thế, người dân phải tận dụng tất cả các diện tích đất có thể để mưu sinh. Khu vực hẻm đèo cực sâu, hiệu quả canh tác không cao, nguy hiểm, việc đi bộ đã khó chứ chưa nói gì làm nương. Thực tế ở 2 bên hẻm vực, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao và gần như rất khó tìm được hộ khá nhờ canh tác nông nghiệp, khó khăn như thôn Bờ Sông của xã Xín Cái, tỷ lê hộ nghèo còn chiếm đến 86%. Với sự cần cù, chịu khó, người dân không để đất trống 2 bên hẻm vực. Trồng trọt trên đất cực dốc nên không thể sử dụng sức kéo của máy và gia súc, không thủy lợi và phần lớn “dựa” vào ông trời; người dân phải sử dụng bằng chính sức của mình cùng với những dụng cụ đơn giản như cái cuốc, cái gùi và đôi vai. Vì thế, canh tác của đồng bào Mông ở đèo Mã Pí Lèng là một kỳ công chinh phục thiên nhiên và phương thức mưu sinh đặc biệt trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

TTXT du lịch Hà Giang

Mục lục

Du lịch Hà Giang
          - Núi đôi Quản Bạ
          - Dinh họ Vương
          - Cao nguyên đá Đồng Văn
          - Cột cờ Lũng Cú
          - Đèo Mã Pí Lèng
          - Chợ tình Khâu Vai
          - Thôn Tha