Địa điểm du lịch

Chùa Dơi Sóc Trăng, nhân văn lễ Sene Đôn Ta

18/10/2018 - 1901 view
Chùa Dơi Sóc Trăng, nhân văn lễ Sene Đôn Ta

Lễ Sene Đôn Ta hay Ph’chum-banh là một trong những lễ hội truyền thống lớn của đồng bào Khmer. Lễ hội này được tổ chức tại gia đình và chùa, luôn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tính nhân văn sâu sắc. Để chứng kiến những nghi lễ, chúng tôi đã có mặt tại chùa Dơi Sóc Trăng (chùa Mahatup) từ đầu hôm trước và 4 giờ sáng của ngày hôm sau.

Được biết, Sene Đôn Ta có nghĩa là cúng thờ ông, bà gần giống như lễ Vu lan báo hiếu của người Việt, lễ này thường diễn ra gồm 2 dạng: Kanh-banh và Ph’chum-banh. Theo truyền thống phong tục tập quán của người Khmer, lễ Ph’chum-banh thường được tổ chức trong thời gian kéo dài 16 ngày kể từ ngày 1 đến 15 rốch, khe Photh Tro-both và 1 kơth khe Asuch (từ ngày 16 đến 30/8 và 1/9 âm lịch) tại các chùa Nam Tông Khmer và từng gia đình. Trong đó, 14 ngày đầu gọi là ngày Kanh-banh hoặc Đắk-banh (nghĩa chung của các từ này là đặt, hoặc ném vắt cơm cho các loài ma quỷ ăn), được tổ chức tại chùa hàng đêm. Tại đây, các vị Achar phân công cho từng nhà hoặc chia từng krum-vên (tổ) thay phiên nhau đem thực phẩm, vật lễ, nhang đèn, bánh trái, tiền bạc... dâng cúng nhà chùa.

Ngoài các vật lễ cúng như bánh trái, bà con còn có một mâm cơm được các cụ cao niên vắt cơm thành từng viên tròn bằng trái chanh, trang trí đẹp mắt, người Khmer gọi là bai-banh (cơm vắt). Achar Thạch Sâth - Ban Quản trị chùa Dơi Sóc Trăng cho biết: “Những lễ vật này thường làm bằng gạo nếp trộn lẫn với nước cốt dừa và một số hương vị khác. Từng vắt cơm này được đặt trong một cái túi nhỏ gọi là kon-ton (làm bằng giấy hoặc bằng lá chuối hay lá dừa) và có thêm một ít lễ vật khác, như: chuối, khoai, đậu, thuốc lá, trầu cau... dùng để cúng dường cho ma quỷ, vong linh. Ở giữa khay là vắt cơm bai-banh, đôi khi có hình tháp, trên đỉnh được trang trí bằng cờ phướn, cờ cá sấu. Những vật lễ này được mỗi gia đình dâng cúng chùa Dơi Sóc Trăng và được đặt ngay trong ngôi chánh điện để thực hiện nghi thức lễ”.

Qua quan sát từng khay bai-banh, với nhiều dáng vẻ khác nhau trông như một quần thể kiến trúc rất đẹp và càng lung linh, huyền ảo hơn khi làn khói trắng toát lên từ những cây nhang trong ánh lửa đang cháy từ những ngọn đèn cầy (nến). Bà con tiến hành nghi lễ bái tam bảo, sau đó thỉnh các vị sư tụng kinh cầu siêu. Tiếng cầu kinh vang lên giữa đêm khuya vắng lặng trong ngôi chánh điện chùa Dơi Sóc Trăng được phát ra từ sự tĩnh tâm của tín đồ phật tử và chư tăng.

Khi mặt trời ửng hồng ở phía Đông (khoảng 5 giờ sáng), bà con lấy khay cơm của mình đi ra ngoài hành lang đặt xung quanh ngôi chánh điện để đem cơm vắt cúng cho những linh hồn quá vãng. Đồng bào Khmer cho rằng, ngoài thế giới hiện hữu còn có thế giới hồn linh. Con người chỉ chết đi về thể xác, còn vong linh thì vẫn tồn tại ở cõi vĩnh hằng. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng, cầu phước cho linh hồn những người đã khuất và tri ân tổ tiên, phù hộ cho phum, sóc an vui. Không tưng bừng, náo nức như Tết Chôl Chnăm Thmây, cũng không nhộn nhịp như lễ hội Oóc Om bóc - Đua ghe ngo, lễ Sene Đôn Ta trong ngôi chùa Dơi Sóc Trăng thâm trầm hơn, mang đậm những sắc thái văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của người Khmer.

Đến ngày 29/8 âm lịch (tháng không nhuần) là ngày đầu tiên cúng tiếp đón ông bà, tổ tiên. Mỗi gia đình dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ, trang hoàng lộng lẫy. Bà con thường đến thăm hỏi, tặng quà cho ông bà, cha mẹ, cô bác trong thân tộc để bày tỏ lòng biết ơn. Sau đó, dọn mâm cơm cùng bánh trái, rượu trà, mời họ hàng thân tộc trong phum, sóc đến thắp nhang đèn cúng kiếng. Buổi chiều tối cùng ngày, mọi người trong nhà ăn mặc tươm tất, thắp hương, khấn vái mời linh hồn ông bà đã quá cố cùng đến chùa Dơi Sóc Trăng nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp.

Sang ngày thứ hai 30/8 âm lịch là ngày cuối cùng của tháng Phot-tro-both, đồng bào Khmer chuẩn bị các lễ vật cần thiết dâng đến chùa làm lễ Ph’chum-banh và thắp hương bàn thờ tổ tiên cầu mời vong linh của tổ tiên, ông bà cùng đi theo vào chùa. Ph’chum-banh tại chùa Dơi Sóc Trăng có cả 3 lễ tiết, như: rop-bath (đặt bát), dâng mâm vật thực và lễ vật đến các vị chư tăng hồi hương quả phúc đến người thân quá cố của mình và được nghe thuyết pháp với những nội dung mang tính giáo dục khuyên bảo mọi người làm điều lành, tránh xa điều ác và tích lũy phước, làm từ thiện xã hội theo khả năng của gia đình để tạo công đức cho mình hiện tại và người thân quá cố. Cùng trong thời gian diễn ra lễ hội Sene Đôn Ta tại chùa, nhiều địa phương cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian phong phú, tạo sinh khí phấn khởi, vui tươi cho bà con trong ngày lễ.

Ngày thứ ba là Sene chuôn Đôn Ta (tiễn đưa ông bà) diễn ra vào ngày mùng 1 khe Asúch Khmer (mùng 1/9 âm lịch), đồng bào Khmer tổ chức cúng đưa tiễn ông bà, tổ tiên về nơi cũ. Mỗi gia đình đều chuẩn bị mọi phương tiện (thường làm bằng bẹ chuối kết thành chiếc thuyền, dài từ 5 đến 7 tấc, trang trí cờ phướn màu sắc rực rỡ. Sau khi nấu mâm cơm thịnh soạn, họ bới những chén cơm gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén rồi khấn vái và mang ra đặt trên thuyền, cùng với lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái... mỗi thứ một ít đựng trong bọc nhỏ (mang tính tượng trưng), rồi chủ gia đình đem thả dưới sông, kênh rạch, mé ruộng hoặc ao hồ gần nhà, nhằm đưa tiễn ông bà và ma quỷ cùng trở về âm phủ an toàn. Cúng xong, mọi người cùng mời nhau ăn uống và chung vui với gia đình, họ hàng, bè bạn. Đến đây, coi như lễ Sene Đôn Ta đã kết thúc.

Theo ông Châu Ôn - giảng viên Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer, Sene Đôn Ta mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, còn Ph’chum-banh mang tính tôn giáo. Sene Đôn Ta hay Ph’chum-banh đã có sự kết hợp hài hòa sâu sắc cho nên thường được gọi chung là lễ Sene Đôn Ta. Lễ hội này diễn ra tại chùa Dơi Sóc Trăng và các chùa Nam Tông Khmer cùng từng gia đình thể hiện được truyền thống đạo lý “cây có cội, nước có nguồn” của cộng đồng người Khmer mang tính nhân văn và tính giáo dục đạo đức sâu sắc. Bên cạnh đó, qua nội dung của lễ hội đã giúp cho gia đình sum họp, đầm ấm; thắt chặt tình đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau trong xóm, ấp.

TTXT du lịch Sóc Trăng

Mục lục

Du lịch Sóc Trăng
          - Cồn Mỹ Phước
          - Vườn cò Tân Long
          - Chùa Dơi
          - Chùa Đất Sét
          - Bảo tàng Khmer Sóc Trăng
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang