Địa điểm du lịch

Chùa Đất Sét Sóc Trăng

Chùa Đất Sét (Sóc Trăng)

Chùa Đất Sét ở Sóc Trăng có tên chữ Bửu Sơn Tự, là ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh bởi hàng nghìn pho tượng bằng đất sét được chế tác công phu trong suốt 42 năm ròng rã. Đây còn là ngôi chùa hiếm hoi có kiến trúc thuần Việt, giữa đa phần là các ngôi chùa Khmer đặc trưng ở vùng đất này.


Lịch sử chùa Đất Sét Sóc Trăng

Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, do dòng họ Ngô lập ra để tu tại gia. Ban đầu, đây chỉ là một am nhỏ dựng lên bằng cây gỗ trên diện tích hẹp, và trong điện thờ cũng rất đơn sơ. Đến năm 1928, vào đời trụ trì thứ 4 là ông Ngô Kim Tòng (ông Năm Tòng), am mới được xây dựng kiên cố và mở rộng.

- Tương truyền sự tích chùa Đất Sét Sóc Trăng, ông Năm Tòng được Phật báo mộng qua một lần ốm "thập tử nhất sinh", nên đã quyết định đắp tượng thờ bằng đất sét thay cho đúc bằng đồng hay tạc bằng gỗ. Suốt 42 năm miệt mài nặn tượng, ông đã tạo nên những bức tượng thờ, linh vật bằng đất sét rất công phu và bền bỉ cho đến ngày nay.

Ngày 10 tháng 12 năm 2010, ngôi chùa này đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.


Kiến trúc chùa Đất Sét Sóc Trăng

Quy mô chùa không lớn lắm, tọa lạc trên một diện tích khoảng 400m2, mái chùa được chống đỡ bởi 24 cây cột, mỗi cột đều được trang trí hình rồng uốn lượn bằng đất sét từ nền điện lên đến mái vòm. Phía trước có Cổng tam quan được xây kiên cố, lợp ngói.

- Qua cổng tam quan là đến chánh điện, có mặt chính quay về hướng đông, bên trong bài trí rất nhiều tượng thờ. Tiếp là nhà tam giáo cộng đồng, được xây dựng vào năm 1942, có đặt tượng Adiđà, Quan Thế Âm, Bổn sư Thích Ca, Ca diếp, Khổng Tử, Lão Tử...

- Sau chánh điện là các gian thờ Phật mẫu Diêu Trì, Ngọc Hoàng thượng đế... Và trong khuôn viên chùa còn có các miếu nhỏ thờ ông hổ và ông tà, bàn thờ thiên phụ, địa mẫu... Dù đã trải qua hơn 80 năm tồn tại, các kiến trúc của chùa vẫn rất vững vàng.


Tượng ở chùa Đất Sét Sóc Trăng

Giá trị nổi bật nhất của chùa là hàng nghìn pho tượng đất sét được dày công tạo tác. Ông Năm Tòng mang đất sét về phơi khô, đập nhỏ, giã thành bột, sàn bỏ tạp chất, nhào với chất keo đặc biệt gồm bột nhang và ô dước tạo thành hỗn hợp dẻo, thơm, và có tác dụng giữ cho da tượng mịn màng, không nứt nẻ.

- Tiếp đến, ông dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, rồi dùng vải mùng bao lại và đắp nguyên liệu hỗn hợp lên làm tượng. Sau đó, các bức tượng được phủ bên ngoài bằng lớp sơn và dầu bóng, mà thoạt trông, người ta sẽ có cảm giác như những bức tượng này được làm bằng chất liệu gỗ.

Không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa mà trí tưởng tượng của ông Năm Tòng còn rất phong phú, bởi trên 1.991 pho tượng lớn nhỏ ở chùa đều được tạo tác một cách đa dạng không trùng lắp, mỗi tượng mỗi kiểu, thể hiện rõ dáng vẻ và thần sắc.


Nến khủng ở chùa Đất Sét Sóc Trăng

Chùa còn nổi tiếng bởi 04 cặp nến (đèn cầy) khổng lồ khá đặc biệt. Trong đó, 03 cặp nến có kích thước mỗi cây cao 2.6m, ngang 1m, và được đúc bằng 200kg sáp. Cặp còn lại nhỏ hơn, và mỗi cây được đúc bằng 100kg sáp. Tổng cộng là 1,4 tấn sáp.

- Để đúc 8 cây nến to lớn này, ông Năm Tòng phải dùng sáp nguyên chất, chặt nhỏ, cho vào chảo to nấu lỏng, đổ vào khuôn là tôn lợp nhà cuộn lại. Sau một tháng, nến nguội rồi mới gỡ khuôn ra, rồi khảm thêm chữ và hình rồng vàng lúc ẩn, lúc hiện uốn lượn theo thân nến.

Hiện nay, 2 cây nến nhỏ vẫn cháy liên tục từ khi ông Năm Tòng qua đời (1970) mà vẫn chưa hết. Phỏng tính bình quân mỗi cây nến cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm. Hơn nữa, chùa còn có 3 cây nhang cỡ lớn, mỗi cây cao 1.5 m, nặng 50kg và vẫn còn nguyên.


Hiện vật khác ở chùa Đất Sét Sóc Trăng

Trong chùa còn có Tháp Đa Bảo cao 13 tầng chừng 4.5 mét, gồm 208 pho tượng Phật án giữ 208 cửa và 156 con rồng đỡ cho các tầng tháp. Kế đó là Tháp Bảo Tòa cao chừng 2 mét, phía trên theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, trên cùng là tòa sen có 1.000 cánh, mỗi cánh có một tượng Phật ngự, hết thảy 1.000 tượng Phật với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Cả 2 tháp đều bằng đất sét và mang về giải kỷ lục cho chùa.

Phía trên trần của gian thờ có treo một chùm đèn gọi là “Lục Long Đăng” cũng bằng đất sét, gồm ba chóp đỉnh với 6 con rồng uốn cong như tượng trưng cho lục tỉnh miền Tây Nam bộ, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía, chi tiết tinh xảo. Đây là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm cuối đời của ông Năm Tòng. Ngoài ra, chùa còn có những bức hoành phi sắc sảo do ông tự vẽ, nay được sơn phết lại trông như mới...


Du lịch chùa Đất Sét tỉnh Sóc Trăng sẽ là dịp để bạn chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo hiếm có ở Việt Nam.

* Địa chỉ chùa Đất Sét ở đâu : số 286 đường Tôn Đức Thắng, phường 5, thành phố Sóc Trăng.
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - cổng vào
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - cổng vào
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - nến khủng
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - nến khủng
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - bảo tòa liên hoa
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - bảo tòa liên hoa
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - tượng lân
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - tượng lân
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - tượng voi
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - tượng voi
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - tượng Phật
Chùa Đất Sét Sóc Trăng - tượng Phật

Tin du lịch chùa Đất Sét Sóc Trăng

Mục lục

Du lịch Sóc Trăng
          - Cồn Mỹ Phước
          - Vườn cò Tân Long
          - Chùa Dơi
          - Chùa Đất Sét
          - Bảo tàng Khmer Sóc Trăng
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang