Địa điểm du lịch

Cố đô Hoa Lư tăng cường bảo tồn tôn tạo

20/01/2015 - 2993 view
Cố đô Hoa Lư tăng cường bảo tồn tôn tạo

Khu di tích văn hóa lịch sử Cố đô Hoa Lư ở Ninh Bình là một địa chỉ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Đặc biệt trong nhiều năm qua, được sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo với phương châm đưa Khu di tích Cố đô xứng tầm với vị thế lịch sử.

Theo đó, từ năm 2002 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện 6 dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo, xây dựng hạ tầng của Khu di tích với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.426 tỷ đồng. Gồm các dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ vua Lê Đại Hành và Lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành (tổng mức đầu tư khoảng 110 tỷ đồng); Xây dựng hệ thống giao thông đường bao, hào nước vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư; nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; xây dựng Quảng trường và sân lễ hội; tu bổ, tôn tạo một số di tích và cổng chốt Cố đô Hoa Lư.

Nhờ sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, nhiều hạng mục đã và đang được hoàn thành, tạo diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp cho Khu di tích. Trong đó đã hoàn thành tuyến đường phía Đông (dự án xây dựng hệ thống giao thông đường bao, hào nước nhằm bảo vệ khu trung tâm Cố đô). Dự án xây dựng cổng chốt phía Đông, phía Nam và phía Bắc nhằm quây khu, biệt lập toàn bộ khu trung tâm Cố đô Hoa Lư đến nay đã cơ bản hoàn thành. Một số di tích trong 13 di tích thuộc dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trong vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô như chùa Nhất Trụ, đền thờ công chúa Phất Kim, phủ Kính Thiên đã được trùng tu tôn tạo.

Đi đôi với việc tôn tạo các di tích lịch sử, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch còn phối hợp với các ngành ở Trung ương và địa phương tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm giới thiệu về Cố đô Hoa Lư như tổ chức Hội thảo xác định giá trị di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An; tổ chức hội thảo về thân thế, sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Vân Nga... Cùng với đó, tỉnh đã tiến hành khảo cổ tại khu vực Đền vua Lê và đã tìm thấy dấu tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ...

Khu di tích văn hóa lịch sử Cố đô Hoa Lư đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Và hiện nay, UNESCO đã ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trong đó, Cố đô Hoa Lư thuộc vùng bảo vệ đặc biệt (vùng lõi) của Di sản. Đây là điều kiện thuận lợi để Ninh Bình gìn giữ và phát huy giá trị Khu di tích nói riêng và Quần thể danh thắng Tràng An nói chung. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập, do hầu hết các dự án đã được triển khai trước đó vẫn còn đang thi công dang dở. Việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích triển khai chậm, một số di tích đã xuống cấp nhưng chưa thực hiện tu bổ được vì kinh phí còn hạn hẹp. Do đó, sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương cũng như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để bảo tồn, tôn tạo di tích là hết sức cần thiết.

Để di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư phát huy tốt giá trị của mình, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục tăng cường trùng tu, tôn tạo và bảo vệ, trong đó tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch đảm bảo hạ tầng của Khu di tích sớm hoàn thiện, phục vụ tốt cho kỷ niệm 1050 năm (968 - 2018) thành lập nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Với mong muốn được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, những nét đẹp hoành tráng của kinh thành Hoa Lư xưa, một trong những công việc quan trọng đã và sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới, đó là tiến hành khảo cổ Khu di tích Cố đô Hoa Lư. Sau khi có kết quả khảo cổ, sẽ tiến hành phục chế lại Kinh thành Hoa Lư của 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý (vị trí phục dựng dự kiến ở khu vực Công viên văn hóa và Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế), tạo điều kiện cho du khách thập phương chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, hiện nay công tác khảo cổ học gặp nhiều khó khăn do phải đảm bảo yêu cầu vừa khai quật, vừa đảm bảo tính toàn vẹn của các di tích. Song, theo giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhiều giá trị của khu di sản cấp Quốc gia đặc biệt này chưa được làm rõ, cần phải được khảo cổ để nhận diện đầy đủ. Việc khai quật khảo cổ học không chỉ nhằm mục đích để giải phóng mặt bằng, để làm rõ các tầng văn hóa mà còn phải hướng đến việc bảo tồn các giá trị. Khôi phục kinh thành Hoa Lư xưa không chỉ là ước mong riêng của người Ninh Bình mà là mong muốn chung của người dân Việt Nam - giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ, Khu di tích văn hóa lịch sử Cố đô Hoa Lư sẽ có thêm diện mạo mới, xứng tầm với vị thế lịch sử để mỗi lần du khách đến với Cố đô Hoa Lư là được trở về với thời kỳ hưng thịnh của một vùng đất nghìn năm văn hiến.

TTXT du lịch Ninh Bình

Mục lục

Du lịch Ninh Bình
   (1) Quần thể danh thắng Tràng An
              - Khu du lịch Tràng An
              - Chùa Bái Đính
              - Cố đô Hoa Lư
              - Khu du lịch Tam Cốc
              - Chùa Bích Động
              - Vườn chim Thung Nham
              - Động Thiên Hà
   (2) Mở rộng các điểm du lịch khác
              - Vườn quốc gia Cúc Phương
              - Khu bảo tồn Vân Long
              - Suối nước nóng Kênh Gà
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang