Địa điểm du lịch

Hòn Nội và những người canh giữ đảo yến

06/06/2015 - 3286 view
Hòn Nội và những người canh giữ đảo yến

Yến sào ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Thế nhưng, ít người biết rằng, để có được thứ sản vật quý ấy, những người bảo vệ và khai thác yến sào Hòn Nội và các đảo yến khác đã bỏ ra không ít công sức. Nếu như những người bảo vệ quanh năm phải bám đảo thì thợ khai thác phải đu mình trên những giàn giáo cheo leo bằng tre lồ ô cao hàng chục mét dựng từ chân sóng đến trần hang hay bám chặt vào những sợi dây chão lần xuống vách đá để đem về những tổ yến.

Gian nan nghề khai thác yến

Đã từng nghe kể về việc khai thác yến sào, nhưng có đi cùng đội kỹ thuật khai thác tổ yến ở Hòn Nội và các đảo trong vịnh Nha Trang, tôi mới hiểu hết mức độ gian khổ của nghề này. Từ cảng Cầu Đá, chúng tôi lên tàu cao tốc nhằm hướng Hòn Nội thẳng tiến. Điểm khai thác đầu tiên hôm ấy là hang Du Hạ trên đảo Hòn Nội, nằm cách mặt biển khoảng 60m. Nhiệm vụ lấy tổ yến đầy khó khăn được giao cho 2 công nhân lành nghề là Tống Đình Hoàng và Phạm Văn Hải. Sau khi leo lên vách đá cao, buộc chặt dây vào cọc neo, hai anh từ từ tụt dần theo dây xuống lưng chừng vách đá, di chuyển dần vào vách sâu bên trong để vào hang yến. Từ dưới tàu nhìn lên, chẳng khác nào cảnh trong phim hành động của Hollywood. Theo anh Võ Văn Cam - Trưởng ban Kỹ thuật Công ty Yến sào Khánh Hòa, đu dây để vào hang mới chỉ là bước đầu. Để khai thác yến sào ở những hang hẹp dạng này trên đảo Hòn Nội phải dùng những đoạn tầm vông ngắn (còn được gọi là dăng) đóng giữa hai vách đá hẹp để bám tay vào hoặc giẫm chân khi leo lên vách đá lấy tổ yến hoặc khi dừng lại nghỉ ngơi. Với những hang hẹp, vách trơn, không thể đóng dăng, người thợ phải “đi bộ”, tức là dùng tay và chân đạp vào vách để leo lên leo xuống, di chuyển vào sâu trong khe đá đến nơi chim yến làm tổ. Ở những nơi khe đá quá hẹp trên đảo Hòn Nội, không vào được chỗ có tổ yến, người thợ buộc một vỉ đan bằng lá buông lên thân tre, luồn vào hang, đỡ bên dưới tổ, rồi dùng sào dài, đầu có móc sắt, móc cho tổ rơi xuống vỉ...

Rời Hòn Nội, chúng tôi đi tiếp đến Hòn Ngoại nơi có Hang Trống với sản lượng yến sào nhiều nhất Khánh Hòa. Sau nén hương xin phép tổ nghề, nhóm công nhân bắt đầu trèo lên giàn giáo, tiến vào lòng hang. Nhìn những người thợ thu hoạch tổ yến đi lại dễ dàng trên giàn giáo, dùng cây sào dài có móc sắt để lấy tổ yến (ngày trước người ta thường gọi người hái tổ yến là dân sào chĩa), chúng tôi không khỏi thán phục sự khéo léo và gan dạ của họ. Khai thác yến sào bằng giàn giáo với dân nghề này được xem là dễ dàng, chứ “đi cội” (dùng một cây tre có nhánh để leo lên hái tổ), “đi bộ” mới là những thử thách khó khăn nhất. Người “đi cội” phải nhớ ở hang nào, vị trí nào thì dùng bao nhiêu cội, kích thước bao nhiêu để vừa tầm hái tổ yến.  Người “đi bộ” phải có kinh nghiệm và rất cẩn thận để có thể nhớ được từng chỗ để đặt chân, chỗ nào dùng đầu gối, tay nào nắm “dăng”, tay nào bám đá... Những năm gần đây, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tìm cách khắc phục khó khăn, hạn chế sử dụng thuật “đi bộ” để khai thác yến.

Nghề khai thác yến sào rất gian khổ và nguy hiểm, nên từ xưa thường là nghề gia truyền, bởi vì chỉ có những người trong cùng gia đình mới dạy nhau cẩn thận từng ly từng tý. Hiện nay, việc chọn người khai thác yến đã được mở rộng hơn, nhưng đội khai thác yến sào Khánh Hòa có rất nhiều người xuất thân từ những gia đình có truyền thống về khai thác yến như: gia đình anh Võ Văn Cam (3 đời gắn bó với nghề), gia đình anh Phạm Văn Hải (4 đời), gia đình anh Đào Văn Song (3 đời)... Hỏi về chuyện gian khổ, nguy hiểm của nghề, những người thợ khai thác yến sào đều cười nói “có kể cả ngày cũng không hết chuyện”. Tuy nhiên, theo anh Hải, thợ lấy tổ yến sợ nhất là phân yến. “Vào sâu trong hang kín bưng, phân chim phủ dày dưới đáy hang bốc lên mùi hăng nồng rất khó chịu. Phân chim quyện với mồ hôi thấm vào các vết xước do đá cắt rất xót, lại có lượng xút cao nên ăn mòn da rất nhanh”, anh Hải cho biết.

Đảo yến gắn với đời người

Trong những lần thăm Hòn Nội và các đảo yến ở vịnh Nha Trang, hay Mũi Đôi - Hòn Đầu (huyện Vạn Ninh), tôi được gặp những người canh giữ đảo yến mà nhiều người gọi vui là “lính đảo”. Họ sống trong những căn nhà cheo leo trên vách đá, bám đảo quanh năm để bảo vệ nguồn lợi yến sào, trong đó có những người đã theo nghề 20 - 30 năm.

Anh Nguyễn Ngọc Quý (đảo Hòn Sam) cho biết: “Ngày trước, phương tiện liên lạc còn khó khăn, chúng tôi phải gửi thư tay cho gia đình. Việc dạy dỗ con cái phó mặc cho vợ ở nhà. Có những lần, vợ nhắn báo tin con bị ốm, mình cũng lo lắm nhưng đành chịu, không thể bỏ đảo mà về...”. Trước đây, khi việc mót yến chưa bị cấm, cứ sau mỗi mùa thu hoạch yến sào, người dân vẫn thường đi mót yến sào nên công việc của bảo vệ còn nặng nề hơn. “Tiếng là mót nhưng có lần khi đang còn vụ khai thác, nhiều người cũng lẻn vào khu vực khai thác yến sào. Đến năm 1997, việc mót yến bị cấm hoàn toàn, việc bảo vệ yến mới “dễ thở” hơn...”, anh Mai Văn Bích - bảo vệ lâu năm cho biết.

Những năm gần đây, với sự quan tâm của lãnh đạo công ty, đời sống của người canh giữ đảo yến đã ngày càng tốt hơn nên anh em càng yên tâm làm việc. Hòn Nội, Hòn Ngoại, Hòn Sam, Hòn Hố, Hòn Đụn, Hòn Chà Là... những nơi tôi đã đi qua, đâu đâu cánh “lính đảo” cũng yêu nghề. “Hàng ngày, chúng tôi chia ca để canh giữ đảo; ngoài ra, để bảo vệ môi trường sống cho đàn yến, chúng tôi phải canh chừng không cho ngư dân dùng thuốc nổ đánh cá ở vùng biển xung quanh các đảo yến và tìm cách đánh đuổi kẻ thù của chim yến như: chim cắt, chuột...”, một bảo vệ trẻ chia sẻ. Mỗi tuần một lần, tàu từ đất liền ra tiếp tế thực phẩm, đưa báo và đón anh em thay nhau về thăm nhà. Mỗi chiều về, anh em lại tập trung chơi bóng chuyền, giải khuây bằng những ván cờ tướng, hay chơi đàn ghi-ta. Lực lượng bảo vệ đảo yến có già có trẻ, sống với nhau như người nhà.

Hiện nay, đội bảo vệ đảo yến của Công ty Yến sào Khánh Hòa lên đến hơn 800 người, bảo vệ 32 đảo yến với 169 hang yến tại Khánh Hòa và nhiều hang đảo yến ở các tỉnh vùng duyên hải trên cả nước. Cùng với việc bảo vệ nguồn lợi yến sào, lực lượng này còn tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển đảo được giao quản lý; tham gia giữ gìn môi trường sinh thái. Hàng năm, lực lượng bảo vệ các đảo yến đã phối hợp chặt chẽ với những đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ hàng trăm lượt ghe thuyền ngư dân đánh bắt hải sản bằng vật liệu nổ và chất độc hại trái phép, vi phạm quy chế hoạt động vùng biển đảo, chuyển giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Lực lượng bảo vệ đảo yến còn tích cực tham gia cứu hộ tàu của ngư dân gặp nạn trên biển; phối hợp với các lực lượng Công an, Biên phòng, Quân đội thực hiện các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo đó, 10 năm liền công ty được Bộ Công an tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5...

Xem đảo là nhà, cuộc sống của những người giữ đảo yến cứ trôi đi thầm lặng, nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát triển nguồn lợi yến sào. Bây giờ, mỗi lần đi biển, nhìn hình ảnh căn nhà cheo leo đơn sơ bên vách đá với lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió, lòng chúng tôi lại trào dâng niềm cảm xúc thân thương về những người canh giữ đảo yến!

Hòn Nội và những người canh giữ đảo yến 2

Hòn Nội và những người canh giữ đảo yến 3


TTXT du lịch Nha Trang

Mục lục

Du lịch Khánh Hòa
   (1) Du Lịch Nha Trang
              - Bãi biển Nha Trang
              - Tháp Bà Ponagar
              - Suối khoáng nóng Tháp Bà
              - Chợ đêm Nha Trang
              - Chợ Đầm
   (2) Vịnh Nha Trang
              - Hòn Tre
              - Hòn Miễu
              - Hòn Tằm
              - Hòn Một
              - Hòn Mun
              - Hòn Nội
   (3) Quanh Nha Trang
              - Bãi Dài Nha Trang
              - Bãi biển Dốc Lết
              - Đảo Bình Ba
              - Bán đảo Đầm Môn
                     - Bãi biển Xuân Đừng
              - Bãi biển Đại Lãnh
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang