Địa điểm du lịch Kênh gym

Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng

Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng

Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng như bức tranh sơn kỳ thủy tú với một bên núi non hùng vĩ, một bên biển cả mênh mông. Đây còn là vùng địa linh của xứ Quảng xưa nay, hội tụ nhiều huyền tích, những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh sâu sắc.


Giới thiệu Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng

Giữa đồng bằng giáp biển mọc lên 5 ngọn núi như một bàn tay khổng lồ nâng đỡ vùng đất Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, đó là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn - tượng trưng cho 5 yếu tố của vũ trụ theo thuyết ngũ hành. Trong lòng các ngọn núi có nhiều hang động huyền bí, nhiều chùa cổ thâm nghiêm. Dưới chân núi là làng đá mỹ nghệ Non Nước với nghề truyền thống lâu đời. Hơn nữa, các dấu ấn thời kỳ lịch sử vẫn còn in đậm trên mỗi công trình chùa - tháp đầu thế kỷ 19, hay trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chăm thế kỷ 14 - 15. Những bút tích thi ca thời Lê, Trần, Nguyễn vẫn còn lưu giữ trên các vách đá rêu phong, hang động... minh chứng cho một danh thắng đầy chất sử thi. Ngay cả xuất xứ tên gọi nơi đây cũng đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng.

Xưa kia, vùng này vốn được dân gian gọi là Non Nước căn cứ theo địa thế một bên non một bên nước, và đã đi vào ca dao: “Ai về Non Nước thì về/ Trước sông sau biển, núi kề một bên”. Đến năm 1806, tên gọi Ngũ Hành lần đầu xuất hiện trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định: “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước”. Nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ mười tám (1837) cũng là lần thứ 3 đến ngự du nơi này (lần thứ nhất vào năm 1825 và lần thứ hai vào năm 1827), nhà vua mới chính thức ghi tên Ngũ Hành Sơn vào bản đồ địa chính của Đại Nam (quốc hiệu nước ta thời bấy giờ) bằng một sắc chỉ - theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên.

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đến năm 1990, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng đã được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, trở thành điểm đến mang tính biểu tượng của tỉnh, có sức hút đặc biệt với du khách và là nguồn cảm hứng bất tận cho tao nhân mặc khách từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim như vua Minh Mạng sau 3 lần vãn cảnh đã hạ bút ngợi ca: “Phong cảnh Non Nước đối với ta vẫn lạ, tựa hồ như mới xem lần đầu”.


Khu du lịch Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng

Trong quần thể danh lam thắng cảnh này, thì Thủy Sơn là ngọn núi lớn và đẹp nhất, cũng là nơi tập trung nhiều hang động chùa chiền nhất, và đã có đầy đủ các dịch vụ du lịch. Thủy Sơn nằm trên dải đất rộng khoảng 7ha, cao 106m, có 3 đỉnh nằm ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao Tam Thai của đuôi chòm sao Đại Hồng Tinh.

- Để lên núi, du khách có thể leo bộ hơn trăm bậc tam cấp, đi giữa không gian rợp mát bóng cây, xen lẫn những bức tượng, vườn hoa, tiểu cảnh... hay chọn đi thang máy cao gần 50m có kính trong suốt, chỉ vài phút là tới đỉnh phía nam ngọn Thủy Sơn. Từ đây, du khách tha hồ thăm viếng các ngôi cổ tự linh thiêng như: chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tôn; riêng chùa Tam Thai là cổ nhất và đã được phong Quốc tự, nơi lưu giữ tấm kim bài hình Quả tim lửa với bút tích của vua Minh Mạng, đã được công nhận bảo vật Quốc gia.

- Và đến khám phá các hang động kỳ vĩ như: động Hoa Nghiêm (có bia Phổ Đà sơn linh trung Phật là bảo vật Quốc gia), động Linh Nham, động Vân Thông, động Thiên Long, động Thiên Phước Địa, động Tàng Chơn, động Ngũ Cốc, hang Gió Đông, hang Gió Tây, động Âm Phủ dài nhất...; riêng động Huyền Không đầy vẻ huyền ảo, nhất là khi những luồng ánh sáng tự nhiên chiếu thẳng từ trên trần cao xuống nền động, bởi thế mà nhà thơ Tản Đà khi xưa đến đây đã tức cảnh sinh tình: “Rủ nhau lên động Huyền Không/ Bụi trần rũ sạch như không có gì”.

- Trên Thủy Sơn còn có: tháp Xá Lợi, đỉnh Thượng Thai, bàn Cờ Tiên, cổng Trời, cùng Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài là nơi lý tưởng để ngắm cảnh đẹp từ trên cao. Và 7 cây cổ thụ đã được công nhận Cây di sản Việt Nam gồm: cây đa sộp 610 tuổi (phía sau chùa Linh Ứng); 3 cây bồ kết 210 tuổi, 200 tuổi và 160 tuổi (bên lối vào động Tàng Chơn); cây thị 205 tuổi cùng 2 cây bàng 350 tuổi và 240 tuổi (cạnh chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng).

Ngoài ra, tại Hỏa Sơn có chùa Linh Sơn, chùa Phổ Đà Sơn, chùa Ứng Nhiên Phật Tông Tự, động Huyền Vi, hang Bà Tho. Thổ Sơn có chùa Long Hoa, chùa Huệ Quang, chùa Hương Sơn, chùa Giác Hoàng Viên, địa đạo núi Đá Chồng. Kim Sơn có chùa Thái Sơn, chùa Quán Thế Âm và động Quan Âm, động Tam Thanh.

- Riêng chùa Quán Thế Âm ở Kim Sơn là nơi diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm - một trong 15 lễ hội quốc gia, được tổ chức vào ngày 19/2 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách gần xa về trẩy hội, chiêm bái, tạo nên cảnh sinh hoạt văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc cổ truyền. Khuôn viên chùa còn có Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng với khoảng 200 hiện vật giá trị và quý hiếm, đây cũng là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.

Núi Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng có gì chơi nữa, đó là hoạt động leo núi mạo hiểm tại động Vân Thông (Thủy Sơn) bằng cách đu dây qua vách đá thẳng đứng, sẽ mang đến cho du khách nhiều cảm giác mạnh từ sợ hãi cho đến phấn khích. Nơi đây còn để lại ấn tượng với du khách trong và ngoài nước bởi những phù điêu tinh xảo, tượng đá sinh động, quà lưu niệm bắt mắt... được chế tác qua đôi tay tài hoa của những nghệ nhân làng đá Non Nước.


* Giá vé tham quan Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng : người lớn - 40.000đ, học sinh sinh viên - 10.000đ, trẻ em dưới 6 tuổi - miễn phí. Giá vé tham quan động Âm Phủ : người lớn - 20.000đ, học sinh sinh viên - 7.000đ, trẻ em dưới 6 tuổi - miễn phí. Giá vé thang máy : 15.000 đ/lượt/người. Theo kinh nghiệm du lịch Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, bạn có thể kết hợp cả leo đường bộ và đi thang máy cho thêm phần trải nghiệm. Nếu muốn hiểu sâu hơn về các di tích, bạn hãy liên hệ dịch vụ thuyết minh về Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng sẽ được phục vụ tận tình và chuyên nghiệp.
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng nhìn từ trên cao
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng nhìn từ trên cao
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng thu hút khách du lịch
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng thu hút khách du lịch
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng - chùa Linh Ứng
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng - chùa Linh Ứng
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng - chùa Tam Thai
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng - chùa Tam Thai
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng - leo núi mạo hiểm
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng - leo núi mạo hiểm
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng - lễ hội Quán Thế Âm
Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng - lễ hội Quán Thế Âm