Địa điểm du lịch

Đèo Hải Vân - Đà Nẵng

Đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân lâu nay không chỉ nổi tiếng về độ hiểm trở, mà còn khiến lòng người mê mẩn bởi cảnh sắc hùng vĩ, hữu tình với một bên là núi non trùng điệp phủ thảm rừng xanh, một bên là biển cả bao la cùng mây trời lộng gió.


Giới thiệu về Đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân dài bao nhiêu : hơn 20km, vượt qua dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển, nối Đà Nẵng (phía Nam) và Lăng Cô - Thừa Thiên Huế (phía Bắc). Đỉnh đèo có độ cao 496 mét so với mực nước biển, thường xuyên mây phủ.

- Trên đỉnh đèo có một cửa ải gọi là Hải Vân Quan, đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan, ngạch trước viết 3 chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” hàm ý “cửa ải hùng vĩ nhất thiên hạ” do vua Lê Thánh Tông đề tặng khi dừng chân trên đỉnh đèo Hải Vân trong lần thân chinh đánh dẹp quân Chiêm.

Khi hầm Hải Vân chưa xây dựng, do địa hình phức tạp, độ dốc tương đối cao, đường quanh co liên tục với nhiều đoạn cua gấp khúc lại hay sạt lở vào mùa mưa, nên dễ khiến người ta đánh giá đèo Hải Vân nguy hiểm bậc nhất Việt Nam.

Từ năm 2005, dự án hầm đường bộ chính thức được đưa vào sử dụng, lượng xe khách, xe tải qua đèo giảm hẳn, chỉ còn số ít xe cộ lưu thông với những lý do nhất định. Và cung đèo này trở thành “con đường di sản miền Trung”.

Năm 2013, đỉnh đèo được UBND Đà Nẵng công nhận là điểm du lịch địa phương của thành phố, đầu tư xây dựng các điểm dừng nghỉ nhằm phục vụ du khách lên đèo vãn cảnh. Kết quả là những năm gần đây, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan đèo Hải Vân khá đông, có ngày lên tới cả ngàn lượt khách.


Du lịch Đèo Hải Vân

Người ta nói, chinh phục đèo Hải Vân để trải nghiệm nơi con người và thiên nhiên cùng kiến tạo “hùng quan”, khi vắt qua những triền núi, lúc nhoài mình ra biển, quanh co, uốn lượn như dải lụa vắt ngang lưng trời. Để nghiêng người theo từng khúc cua, hồi hộp khi đổ đèo, thậm chí nổi gai ốc nếu đi trong thời tiết mưa gió, sương mù mờ ảo.

Để thỏa chí tang bồng vào những ngày nắng đẹp, thỏa thích chiêm ngưỡng bức tranh núi đồi, biển cả, mây trời hòa quyện. Để ngắm toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, hay vịnh Lăng Cô... bên bờ cát trắng.

Để dừng chân trên đỉnh đèo trong cái se lạnh, tham quan di tích cửa ải đã nhuốm màu xưa cổ, nơi lưu dấu những cột mốc trong quá trình hình thành đèo. Để ghé vào quán nhỏ ven đường, nhâm nhi chút sản vật địa phương.

Và để đứng trên dốc núi xanh ngắt, hít căng lồng ngực, thả hồn cùng với gió, với biển và mây, đúng như cái tên tiền nhân đã đặt... Có lẽ, chừng đó đã đủ cho Đèo Hải Vân trở thành một địa danh ấn tượng với du khách từ Nam chí Bắc.
Đèo Hải Vân nhìn sang thành phố Đà Nẵng
Đèo Hải Vân nhìn sang thành phố Đà Nẵng
Đèo Hải Vân - Lăng Cô dần hiện ra bên bờ vịnh
Đèo Hải Vân - Lăng Cô dần hiện ra bên bờ vịnh
Đèo Hải Vân ngoằn ngoèo khúc khuỷa
Đèo Hải Vân ngoằn ngoèo khúc khuỷa
Đèo Hải Vân ngày nắng đẹp
Đèo Hải Vân ngày nắng đẹp
Đèo Hải Vân - di tích cửa ải trên đỉnh
Đèo Hải Vân - di tích cửa ải trên đỉnh
Đèo Hải Vân trong sương mù
Đèo Hải Vân trong sương mù
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang