Địa điểm du lịch

Phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc

31/03/2016 - 4408 view
Phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc

Với gần 300 làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi, Hà Nội có những thế mạnh riêng để thúc đẩy du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế, cũng như giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc tới bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lâu nay sản phẩm du lịch làng nghề của Hà Nội vẫn bị đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Thực trạng này kỳ vọng được cải thiện mạnh mẽ khi mới đây, thành phố chủ trương "Đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại hai điểm Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm) và Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)".

Những cánh chim đầu đàn

Không khó để nhận ra những đặc điểm nổi bật khiến Hà Nội chọn làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc làm điểm khuếch trương du lịch làng nghề một cách quy mô, bài bản. Với những lợi thế về giao thông cùng bề dày truyền thống, làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc còn có những cái nhất khiến nhiều làng nghề phải mơ ước. Đó là sức sáng tạo, tình yêu nghề sâu sắc giúp người thợ làng nghề, dù trải qua bao biến cố, thăng trầm, vẫn quyết tâm bám trụ, không để di sản của cha ông mai một; sự nhanh nhạy với thời cuộc để đưa ra những sản phẩm thủ công, phù hợp với thị hiếu, bảo đảm đời sống kinh tế cùng danh tiếng cho nghề truyền thống...

Và gần đây là cuộc chuyển mình từ người thợ thuần túy thành những hướng dẫn viên du lịch, đưa khách vào không gian văn hóa làng nghề, nơi du khách không chỉ xem, mua hàng mà còn được chứng kiến quy trình sản xuất, lắng nghe hơi thở lịch sử, được giải đáp cặn kẽ những thắc mắc...; hay trực tiếp tham gia vào một số công đoạn sản xuất (nhuộm, dệt lụa; vuốt, nặn, vẽ gốm...). Lòng hiếu khách, thái độ thân thiện của người dân bản địa cũng là một thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch. Ở đây, dù hàng quán san sát, không khí bán buôn nhộn nhịp, nhưng không có hiện tượng chèo kéo, gây khó chịu cho du khách.

Dẫu được đánh giá là một trong những làng nghề làm du lịch tốt bậc nhất ở Hà Nội song đến giờ làng gốm Bát Tràng vẫn thiếu những yếu tố căn bản để làm du lịch. Ngoài việc sản phẩm du lịch còn chưa phong phú, làng gốm Bát Tràng thiếu những thứ tưởng chừng rất đơn giản như: Bãi dừng đỗ xe, khu vệ sinh, bảng chỉ dẫn, sơ đồ làng nghề bằng 2 thứ tiếng, nơi nghỉ chân cho du khách... và ẩm thực. Tương tự, làng lụa Vạn Phúc cũng đang lúng túng trong việc xây dựng tuyến đường ẩm thực cũng như hình thành thêm sản phẩm du lịch để níu chân du khách. Làng lụa Vạn Phúc cũng nhiều năm phải đối mặt với tình trạng thiếu vùng sản xuất nguyên liệu tơ tằm ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn hàng và giá thành sản phẩm.

Cất cánh du lịch làng nghề

Hiện các ban, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện dự án đang tập trung khảo sát đồng bộ tại làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, nhằm đưa ra "đề bài" chính xác cho các đơn vị tham gia, hướng tới mục tiêu xây dựng điểm du lịch làng nghề đạt chuẩn quốc tế trên cơ sở phù hợp với quy hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc, nghề truyền thống, bảo đảm thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan khu vực. Các đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước cũng rất hào hứng, quan tâm tới dự án mang nhiều ý nghĩa văn hóa - xã hội này.

Tại làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, chính quyền địa phương cũng đã và đang rốt ráo thực hiện các kế hoạch đón đầu dự án. Nhiều gợi ý đáng kể như: Xây dựng lộ trình tham quan chuẩn với các điểm nối được thiết kế xuyên suốt quá trình lịch sử hình thành, gìn giữ, phát triển nghề thông qua hình thức kể chuyện bằng âm thanh, hình ảnh, hiện vật cổ...; hướng dẫn du khách trực tiếp tham gia sản xuất, hoàn thiện sản phẩm thủ công; hình thành nơi ăn, chốn nghỉ; tổ chức các trò chơi dân gian... Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền vận động người dân hiểu giá trị nghề truyền thống cũng như có ý thức bảo vệ thương hiệu bằng việc lưu dấu thương hiệu trên sản phẩm, kiên quyết đưa hàng ngoại lai ra khỏi không gian làng nghề; tìm nguyên liệu phù hợp hỗ trợ sản xuất trong khi tiến hành đầu tư sớm vùng nguyên liệu... đang từng bước được thực hiện. Đâu đó, những điểm nhấn như không gian trưng bày sản phẩm thuần Việt với sân gạch, nhà gỗ, lối đi quanh co ngát hương cau, hương bưởi; những xưởng gốm để khách một lần làm thợ... đã được chăm chút hơn.

Những ngày này, người dân làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc và chắc còn nhiều làng nghề truyền thống khác ở Hà Nội đang kỳ vọng vào một bước tiến mạnh mẽ thông qua chủ trương của thành phố, hứa hẹn không chỉ mang đến những lợi ích kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa ẩn chứa trong mỗi làng nghề.

Phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc 2


TTXT du lịch Hà Nội

Mục lục

Du lịch Hà Nội
          - Hồ Hoàn Kiếm
          - Phố cổ Hà Nội
          - Văn Miếu Quốc Tử Giám
          - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
          - Chùa Một Cột
          - Lăng Bác Hồ
          - Hồ Tây
          - Làng lụa Vạn Phúc
          - Làng gốm Bát Tràng
          - Vườn quốc gia Ba Vì
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang