Địa điểm du lịch Kênh gym

Chùa Bà Đanh, chó đá chầu cửa Phật

04/02/2018 - 1416 view
Chùa Bà Đanh, chó đá chầu cửa Phật

Xuân về Tết đến, khách hành hương gần xa lại rủ nhau về vãn cảnh chùa Bà Đanh, Hà Nam. Các giá trị văn hóa nơi đây đã được nhiều người viết bài tôn vinh. Nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018 xin có đôi lời về biểu tượng những con chó đá ở chùa, một đề tài mà xưa nay ít có ai tìm hiểu sâu, kỹ.

Cặp chó đá ở chùa Bà Đanh

Bước qua cổng Tam quan vào chùa, mọi người đều thấy trước tiên là đôi rồng đá chầu chùa, nhưng hãy ngoảnh lại để ý hai bên cổng sẽ thấy ngay cặp chó đá quay mặt vào chầu chùa. Con đực bên tay phải, con cái bên tay trái. Con đực cao hơn 4 gang tay người lớn, con cái thấp hơn một chút. Mỗi con ngồi trên một bệ đá vuông dày 5cm, mỗi chiều bằng một gang tay người lớn. Ở nơi linh thiêng và nhờ sự bảo vệ của nhà chùa, hầu như đôi chó đá vẫn còn nguyên hình khuôn khổ, giúp cho mọi người dễ dàng quan sát. Điểm đặc biệt, có thể coi là điểm nhấn là: từ ngực trải xuống bụng mỗi con chó đá, nghệ nhân tạo dựng một tấm đá phẳng, được hình dung như một tấm lụa phủ ngực và bụng. Ở giữa tấm lụa che ngực có khoét một lỗ tròn.

Con chó với nhiều đặc tính tốt đẹp nên được người dân coi trọng, đục, tạc thành tượng, giao “trọng trách” canh cổng, và được chùa Bà Đanh cho nhập cửa Thiền. Nhà chùa vốn từ bi, hỉ xả, trân quý “thập loại chúng sinh”, luôn là nơi nương tựa cho chúng sinh lúc cơ hàn, yếu thế. Nhưng cặp chó đá ở chùa này không phải thế, chúng được vào cửa Thiền để chầu Phật, canh giữ nơi thâm nghiêm, linh thiêng.

Cái lỗ tròn trên tấm đá phẳng ngực chó đá ở chùa Bà Đanh, chúng tôi cho rằng ý tứ người xưa muốn bày tỏ và nhắc nhở: 1) Đó là cái Tâm. Chúng sinh đi theo Phật phải tu Tâm là chính. 2) Trên vòng tròn, ở đường chu vi, khi vòng tròn quay hết một vòng thì điểm cuối (Chung) lại trở về trùng với điểm khởi đầu (Thủy). Nghĩa là Thủy Chung, sống trên đời phải trước sau như một. Chó là loài động vật sống rất thủy chung với con người. Dân gian thường nói “Chó trung thành với chủ”. Cặp chó đá ở đây là biểu tượng của đức tính “trung thành với Phật”.

Chó đá trong tín ngưỡng về đá

Chùa Bà Đanh và các vị thần thờ ở chùa là hệ quả của tín ngưỡng dân gian Việt cổ, bản địa hóa Phật giáo. Tín ngưỡng dân gian Việt cổ dựa trên nền tảng của nền văn hóa lúa nước, cầu mong sự sinh nở. Quan niệm cổ xưa cho rằng việc sinh sôi, nảy nở trước hết là từ cây và núi (đá). Cây cũng như núi: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Thần phả ở chùa Bà Đanh có mô tip giống thần phả ở chùa Cổ Châu (chùa Dâu, Bắc Ninh). Chuyện rằng: Nàng con gái Man Nương xinh đẹp đã giao tính một cách kỳ lạ với vị sư Khâu Đà La, mang thai và đẻ ra một cục đá. Đá ấy được Khâu Đà La phối vào thân một cây đa, khi thân cây đa tự nhiên nứt ra. Cây đa bị bão làm đổ, biến thành khúc gỗ trôi sông. Khi gặp Man Nương, gỗ gọi nàng là mẹ, sau đó nở ra 4 vị thần, gọi là Thần Tứ Pháp (Pháp Vân - mây, Pháp Vũ - mưa, Pháp Lôi - sấm, Pháp Điện - chớp). Còn thần phả ở chùa Bà Đanh nói về thần tích một vị nữ thần xinh đẹp, được dân làng tạc tượng từ cây gỗ mít, một hôm mưa bão, có một ngai gỗ trôi trên sông Đáy, dạt vào chùa, dân làng đem tượng vị nữ thần đặt vào ngai ấy thì vừa vặn. Từ đó làng thờ Thần Tứ Pháp, trong vùng mới nhân đa, vật thịnh, mùa màng tươi tốt bội thu. Vị nữ thần chùa không thấy thần tích nói chuyện đẻ đá như nàng Man Nương. Nhưng vì đá cũng như cây, nên ngoài chó đá, ở chùa còn có bến đá, thềm đá, chân cột chùa bằng đá... Đặc biệt xưa kia ở chùa còn có cặp chày/cối đá (nay đã bị thất lạc). Tín ngưỡng dân gian cho rằng: cái chày mang tính dương, cái cối mang tính âm. Chày/cối là cặp sinh thực khí (như âm dương giao hợp để sinh sôi, nảy nở). Vậy nên cặp chó đá ở chùa là một con đực và một con cái. Chó là loài động vật sinh thực khí dồi dào nên sinh sôi phát triển rất nhanh và nhiều.

Các triều đại phong kiến thường lấy từ dân gian nhiều con vật làm biểu tượng tạc từ đá. Ví như con rồng là con vật tưởng tượng (không có thật); con voi (voi chiến), con ngựa (ngựa chiến) cũng được tạo từ đá “Xã tắc bao phen chồn ngựa đá” - thơ Trần Nhân Tông, đời Trần. Con voi, con ngựa có công chinh chiến nên mới được ngựa chầu, voi phục trong triều đình hoặc trong các đình làng phong kiến. Con chó tuy không được các triều đại phong kiến chấp nhận vai trò nhưng lại được chùa Bà Đanh cho chầu cửa Thiền là chuyện riêng có. Vì thế tư tưởng, tư duy và tình cảm của người dân và nhà chùa là dung hợp, đúng, đẹp. Nhiều loài động vật trong lịch sử đã bị tuyệt chủng hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, có loài trở thành hiếm quý. Nhưng loài chó đến nay không hiếm mà vẫn quý, mãi lâu bền trong đời sống của loài người.

Có nhà thơ là người con quê hương Hà Nam khi viếng cảnh chùa Bà Đanh đã viết, có câu: “Chùa xưa, chó đá, hoa mơ nở...” - nghĩa là mỗi khi xuân về, hoa mơ nở, chùa xưa, chó đá vẫn như mới tinh khôi cùng hoa mơ.

TTXT du lịch Hà Nam

Mục lục

Du lịch Hà Nam
          - Làng trống Đọi Tam
          - Chùa Long Đọi Sơn
          - Đền Trúc & Ngũ Động Thi Sơn
          - Chùa Bà Đanh