Địa điểm du lịch

Du lịch Hà Nam xác định rõ các loại hình

04/05/2017 - 1869 view
Du lịch Hà Nam xác định rõ các loại hình

Nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, du lịch Hà Nam vừa có vẻ đẹp đặc trưng của những cánh đồng xanh biếc lúa ngô, những xóm làng quần tụ, những mái đình cong vút, những dòng sông tưới mát quanh năm, lại vừa mang vẻ đẹp của địa hình đồi núi với những hang động, thắng cảnh. Bên cạnh đó, người Hà Nam có những lễ hội truyền thống, những làn điệu dân ca riêng có, những làng nghề thủ công mỹ nghệ, những đặc sản đồng chiêm phong phú. Những đặc điểm đó là cơ sở để phát triển ngành "công nghiệp không khói".

Với hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc và phong phú, du lịch tâm linh là hướng mà tỉnh đặc biệt quan tâm. Những năm qua, nhiều di tích được quy hoạch, đầu tư tu bổ, xây dựng và quảng bá đã thu hút đông đảo du khách. Tiêu biểu như: Chùa Bầu, đền thờ 10 cô gái Lam Hạ trong các tuyến du lịch Phủ Lý Hà Nam; chùa Bà Đanh, đền Trúc - Ngũ Động Sơn, đền Lê Chân, chùa Tiên Ông (Kim Bảng); chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang (Duy Tiên); đền Trần Thương, Khu tưởng niệm Nam Cao (Lý Nhân); Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bình Lục). Đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với đền Mẫu, đình Tam Chúc đã hoàn thành và quần thể chùa Tam Chúc đang dần hiện hữu đã nhận được nhiều sự quan tâm của du khách. Từ khu du lịch này, con đường dài chưa đến 10 km chạy ven chân núi dẫn du khách đến thẳng đền Trình chùa Hương. Cũng từ đây, một con đường đến Bái Đính (Ninh Bình) đang được hoàn thành. Kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc tinh tế, cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và đi lại thuận tiện, các điểm du lịch Hà Nam trên đã và đang hấp dẫn du khách.

Hà Nam, quê hương của những làng nghề thủ công truyền thống lâu đời. Du lịch làng nghề cũng là một loại hình du lịch hấp dẫn của địa phương. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 35 làng nghề truyền thống có thể gắn kết để phát triển du lịch Hà Nam, trong đó làng nghề trống Đọi Tam, xã Đọi Sơn (Duy Tiên) đang dần quan tâm đến hoạt động du lịch khi có nhiều đoàn khách về tham quan, tìm hiểu. Làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên) với sản phẩm lụa nền nã, hoa văn màu sắc phong phú được nhiều khách đến du lịch Hà Nam tìm mua. Những sản phẩm du lịch làng nghề đã được nhiều người biết đến như tranh thêu An Hòa, Hòa Ngãi, xã Thanh Hà (Thanh Liêm), sừng mỹ nghệ Đô Hai, xã An Đổ (Bình Lục) cũng có sức hút với nhiều du khách. Làng nghề gốm son Quyết Thành (thị trấn Quế, Kim Bảng) và làng nghề mây giang đan Ngọc Động, xã Hoàng Đông (Duy Tiên) đều có thể là đồ lưu niệm, quà tặng trong hoạt động du lịch.

Nói đến Hà Nam, nhiều người nhớ đến Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến với những bài thơ bất hủ về làng cảnh Bắc Bộ; về nhà văn liệt sỹ Nam Cao với điển hình văn học Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc, Giáo Thứ..., nhưng chưa nhiều người biết đến Hà Nam còn là quê nội của Lê Đại Hành Hoàng đế và ở quê của ngài xã Liêm Cần (Thanh Liêm) còn mang đậm dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp của ông qua tên đất, tên làng, các di tích cũng như mối tình giữa ông và Hoàng hậu Dương Thiệu Nga qua trường ca lịch sử Hoàn Vương Ca Tích mà trong dân gian còn lưu nhớ. Hà Nam cũng là quê hương của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ: "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" và là nơi sinh ra Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ lá cờ đỏ sao vàng, Quốc kỳ của Việt Nam. Và đặc biệt, khu đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân pháo phòng không Lam Hạ cũng là một điểm đến ý nghĩa của du khách.

Gắn với phát triển du lịch là ẩm thực, Hà Nam từ lâu đã nổi tiếng với bánh cuốn chả nướng Phủ Lý, cá kho niêu đất Hòa Hậu, chuối ngự Đại Hoàng (Lý Nhân). Vùng quê Đại Hoàng hiện còn được khách du lịch Hà Nam biết đến với món tương cua truyền thống. Món tương cua thơm thính gạo, ngọt vị cua đồng ăn cùng cơm gạo mới đồng chiêm, ai đã thưởng thức một lần đều khó có thể quên. Bánh đa Kiện Khê (Thanh Liêm) nhiều vừng, giòn tan ăn cùng chuối tiêu hay cùi dừa thì bùi thơm, ngon ngọt không thể tả. Loại rượu được "cất lên từ nước nguồn muôn thủa" rồi hạ thủy mang thương hiệu Vọc Long Tửu cũng đã rạng danh trong các lần hội chợ triển lãm đặc sản ẩm thực Việt Nam.

Du lịch Hà Nam thông qua các lễ hội truyền thống nhiều năm qua cũng thu hút số lượng du khách không nhỏ, đặc biệt là ba lễ hội lớn đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Tịch điền (Duy Tiên), lễ hội đền Trần Thương (Lý Nhân) và hội vật võ Liễu Đôi (Thanh Liêm). Đây là những lễ hội truyền thống gắn với nền văn hóa sản xuất nông nghiệp và tôn vinh những vị anh hùng trượng nghĩa có công chống giặc ngoại xâm (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; chàng trai họ Đoàn, ông tổ vật võ Liễu Đôi)...

Vừa qua, tại hội nghị xúc tiến các điểm du lịch ở Hà Nam, nhiều đại biểu đã có ý kiến, tỉnh nên phát triển du lịch đường sông vì đây là một loại hình du lịch hấp dẫn. Phát triển được loại hình này sẽ thuận lợi trong việc tạo thương hiệu cho du lịch Hà Nam. Thực ra đây là loại hình du lịch mà tỉnh tính đến từ rất sớm. Bến Hồng Phú (thành phố Phủ Lý) là nơi du khách xuống thuyền trẩy hội chùa Hương. Sông Đáy chảy qua thành phố, sông Châu, con sông ruột của Hà Nam hai bên bờ có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, du khách có thể ghé thăm, ngắm cảnh và thực hành nghi lễ tâm linh. Việc phát triển cơ sở hạ tầng dọc sông Đáy, trong đó có hàng loạt khách sạn, nhà hàng chính là thuận lợi. Nhưng sự phát triển công nghiệp không chú trọng đến môi trường từ đầu nguồn đã làm tuyến, tour du lịch Hà Nam đầy tiềm năng này khó phát huy hiệu quả...

Việc xác định các loại hình du lịch có vai trò quan trọng để khai thác tiềm năng, định ra các tuyến, điểm, địa danh du lịch Hà Nam để quảng bá, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh phát triển.

TTXT du lịch Hà Nam

Mục lục

Du lịch Hà Nam
          - Làng trống Đọi Tam
          - Chùa Long Đọi Sơn
          - Đền Trúc & Ngũ Động Thi Sơn
          - Chùa Bà Đanh
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang