Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Cao Bằng phát huy giá trị ẩm thực

18/06/2017 - 2963 view
Du lịch Cao Bằng phát huy giá trị ẩm thực

Du lịch Cao Bằng cần phát huy hơn nữa giá trị văn hóa ẩm thực, bởi phát triển du lịch dựa trên cơ sở các yếu tố ẩm thực không chỉ góp phần vào việc thu hút du khách mà còn hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch, góp phần tích cực giới thiệu, quảng bá nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa dân tộc của Cao Bằng.

Thực trạng và giá trị văn hóa ẩm thực Cao Bằng

Dạo một vòng quanh các điểm du lịch Cao Bằng, du khách dễ dàng tìm thấy các đặc sản: Hạt dẻ Trùng Khánh thơm ngon, bùi ngậy; lê Đông Khê ngọt thanh và là loại lê ngon nhất ở Cao Bằng. Ngoài ra còn có mận Bảo Lạc, thịt lợn quay, lạp xường, vịt quay, bánh cuốn trứng, phở chua..., với hương vị đặc trưng riêng. Đặc biệt, món lạp xường không chỉ là món ngon đại diện cho ẩm thực Cao Bằng mà còn là đại diện ẩm thực Việt Nam được mời tham gia Hội chợ Thương mại với Trung Quốc, Hội chợ ASEAN - Ấn Độ lần thứ 2 (IABF) năm 2012 tổ chức tại Ấn Độ. Năm 2012, sản phẩm lạp xường được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực tổ chức tại Bắc Ninh. Năm 2015, 3 sản phẩm: thịt hun khói, lạp xường, dăm bông đoạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Sau đó, 2 sản phẩm là lạp xường và dăm bông được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực tổ chức tại Yên Bái. Cao Bằng có món xôi trám được lựa chọn vào top 100 món ăn, ẩm thực đặc sản tiêu biểu của Việt Nam. Cao Bằng cũng là vùng đất của những loài thảo dược quý, như: chè đắng, chè dây, chè giảo cổ lam... Tất cả sẽ góp phần làm phong phú hơn văn hóa ẩm thực Cao Bằng, tăng sức hấp dẫn với du khách trong hành trình khám phá mảnh đất vùng cao.

Chị Hồng Kiều từ Bắc Ninh đi du lịch Cao Bằng 2 ngày chia sẻ: Tôi đã nghe nói nhiều về món phở chua Cao Bằng. Lần này có dịp lên đây, tôi đã được thưởng thức món này. Quả thật phở chua Cao Bằng rất ngon và có vị lạ. Qua quan sát, tôi thấy phở chua là món ăn được chế biến khá cầu kỳ, khi ăn cảm nhận được vị ngậy của mỡ vịt, vị chua cay của măng ớt, bùi của lạc và khoai tầu, thơm của mác mật. Nếu có cơ hội, tôi sẽ quay lại để được thưởng thức món phở chua và hy vọng trong chuyến đi này tôi sẽ được thưởng thức thêm nhiều món ăn thú vị khác mà chỉ có ở Cao Bằng.

Vốn dĩ, ẩm thực và du lịch luôn gắn liền với nhau. Đồng thời, ẩm thực còn đóng vai trò làm nên dấu ấn khác biệt giữa các vùng miền. Bởi lẽ, bên cạnh hương vị và nghệ thuật chế biến món ăn, khi quảng bá, chúng thường đi kèm với thương hiệu của vùng đất đó. Điều này giúp khắc sâu vào tâm trí du khách, khiến họ quan tâm tìm hiểu, tạo thêm động lực quyết định đi thăm hay trở lại điểm đến du lịch. Tuy nhiên, hầu hết các món ăn ở Cao Bằng đều được sản xuất theo quy mô nhỏ, hộ gia đình, tiêu thụ nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của dân bản địa, chỉ một số mới phổ biến và được tiêu thụ ra bên ngoài. Chưa có sự quản lý đồng bộ nên chất lượng chưa đồng đều. Hệ thống phân phối sản phẩm chưa được đầu tư nên việc khai thác các món ăn để phát huy tiềm năng du lịch Cao Bằng còn hạn chế. Các món ăn tuy nổi tiếng nhưng làm theo từng mùa vụ hoặc chỉ có trong lễ hội của các địa phương nên chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các loại nông sản mang tính đặc trưng, đặc sản Cao Bằng được trồng, sản xuất với diện tích nhỏ, chưa mang tính đại trà, chưa được quảng bá và tạo được thương hiệu nổi tiếng mang giá trị sản phẩm phục vụ du lịch Cao Bằng.

Phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch

Tuy được thừa hưởng nhiều nền ẩm thực khác nhau, nhưng tỉnh vẫn chưa tập trung khai thác ưu thế này phục vụ cho du lịch, chưa tạo được điểm đặc biệt, nổi trội để thu hút, níu chân du khách. Về vấn đề này, đồng chí Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở du lịch Cao Bằng nhận định: ẩm thực Cao Bằng được đánh giá cao bởi độ ngon, đặc sắc, mang đậm hương vị riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, khách đi tour du lịch Cao Bằng chỉ biết đến một vài món ăn tiêu biểu như: phở chua, vịt quay, hạt dẻ, lạp xường, chè giảo cổ lam, miến dong. Điều này cho thấy, chúng ta còn nhiều hạn chế trong tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tính đa dạng của ẩm thực Cao Bằng. Trong những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu về du lịch, văn hóa, đặc sản Cao Bằng thông qua tham gia Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” tổ chức hằng năm; các hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có giới thiệu một số món ẩm thực Cao Bằng, như: miến dong Nguyên Bình, khẩu sli Nà Giàng, bánh khảo, chè lam, lạp xường, thịt hun khói, các loại chè: Giảo cổ lam, chè dây..., nhưng lượng sản phẩm tham gia các chương trình vẫn còn hạn chế, chưa tạo dựng được hình ảnh sản phẩm nổi bật. Tỉnh cũng thiếu địa điểm cung cấp tư liệu văn hóa ẩm thực đến du khách...

Trong xu thế phát triển đa dạng của nhu cầu du lịch, ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ cho nhu cầu của khách về ăn uống đơn thuần mà đã trở thành mục đích của các chuyến du lịch. Văn hóa ẩm thực có vai trò nhất định và góp phần làm tăng hiệu quả, tạo nên thành công cho hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch, thu hút du khách đến với địa phương. Đó là cơ hội cho khách du lịch được trải nghiệm những khía cạnh văn hóa truyền thống. Ngoài những thông tin quảng bá du lịch được khách du lịch quan tâm, như: khách sạn, điểm du lịch, cảnh quan, các phương tiện vận chuyển, điều kiện giao thông, thì yếu tố ẩm thực không kém phần quan trọng, nhiều khách du lịch rất quan tâm đến việc ăn món gì ngon, địa điểm ăn uống nào phù hợp với hành trình du lịch.

Vì vậy, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, kết hợp quảng bá những điểm du lịch Cao Bằng song hành với ẩm thực. Phát huy giá trị ẩm thực truyền thống dân tộc, tạo ra món ăn dựa trên giá trị truyền thống, sự chuyên nghiệp và những nguyên liệu đặc sản chất lượng. Khuyến khích các nhà hàng có sự liên kết với nhau cũng như liên kết với các công ty lữ hành để xây dựng thương hiệu và tour ẩm thực. Thường xuyên tổ chức các sự kiện ẩm thực, như các hội chợ, triển lãm, hội thi... Xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư kinh phí cho việc phát triển văn hóa ẩm thực. Hỗ trợ các vùng trồng cây nông nghiệp mang tính chất đặc sản, mở rộng quy mô và chuyển hướng dần sang khai thác phục vụ du lịch. Quy hoạch xây dựng điểm ẩm thực, phố ẩm thực một cách có tổ chức để đưa vào khai thác du lịch. Tăng cường xúc tiến quảng bá văn hóa ẩm thực thông qua tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; tuyên truyền, giới thiệu quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng. Qua đó, tạo thêm sản phẩm mới cho bản đồ du lịch Cao Bằng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

TTXT du lịch Cao Bằng

Mục lục

Du lịch Cao Bằng
          - Thác Bản Giốc
          - Động Ngườm Ngao
          - Hồ Thang Hen
          - Khu di tích Pác Bó
          - Làng rèn Phúc Sen