Địa điểm du lịch

Dinh Thầy Thím, gắn kết du lịch với văn hóa

16/10/2016 - 2946 view
Dinh Thầy Thím, gắn kết du lịch với văn hóa

Lễ hội Dinh Thầy Thím Bình Thuận - còn gọi là lễ tế thu, diễn ra từ 14 - 16/9 âm lịch hàng năm. Nhưng thường thì du khách từ khắp các vùng miền về La Gi viếng Thầy Thím trong suốt 2 tuần trước lễ hội. Với nhiều người, tìm về Dinh để tịnh tâm, suy nghĩ về đạo lý, nghĩa tình, để cầu chúc cho gia đình, người thân được an lành, hạnh phúc.

Để chuẩn bị cho lễ hội Dinh Thầy Thím, thị xã La Gi đã chỉ đạo các ngành văn hóa, thông tin, lực lượng vũ trang, quản lý giá cả, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cùng với chính quyền xã Tân Tiến quán triệt công tác tổ chức, bảo vệ an ninh trật tự trong suốt những ngày lễ hội. Ban tổ chức đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí để tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho lễ hội, phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh và các đoàn nghệ thuật từ Tp. Hồ Chí Minh tổ chức văn nghệ, tạp kỹ, ca múa nhạc, cải lương...

Tình hình thời tiết trong dịp lễ hội năm 2016 không được thuận lợi khi trời thường xuyên mưa trong suốt 3 ngày chánh lễ nhưng vẫn có rất đông du khách đổ về Dinh Thầy Thím để thắp hương, cúng viếng. Hàng người trải dài hai bên con đường rước Nghinh thần, rước Sắc phong từ mộ Thầy Thím với lòng tôn kính đối với những người đã có công khai ấp, lập làng, tạo dựng sự ấm no, hạnh phúc cho người dân vùng Tam Tân này.

Thông qua các nghi lễ như Nghinh thần, rước Sắc phong và bằng công nhận di tích, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh, khách hành hương có thể cảm nhận được những giá trị tích cực về truyền thống nhân văn, nét thuần phong mỹ tục và giá trị tâm linh.

Tạm gác lại việc làm ăn, lễ hội Dinh Thầy Thím còn là dịp để người dân sở tại gặp gỡ, chung tay góp sức để trang trí, quét dọn cùng với Ban quản lý di tích. Không những vậy, nhiều học sinh, thanh niên còn đăng ký biểu diễn võ thuật, tham gia các hội thi, hội thao nhằm tạo thêm nhiều sân chơi, điểm nhấn cho lễ hội như thi khiêng thúng ra khơi, thi gánh cá, đan lưới, thi đấu cờ người, thi làm bánh... Ngoài ra, ban tổ chức còn trưng bày, triển lãm mô hình sự tích Dinh Thầy Thím và các gian hàng ẩm thực, mua sắm, giải trí để phục vụ khách hành hương đến tham quan, mang đậm sắc thái xứ biển Nam Trung bộ.

Anh Lê Thái cùng gia đình hơn 5 người đến từ tỉnh Đồng Tháp cho biết: đã nghe nói về lễ hội từ lâu, nhưng năm nay mới có dịp sắp xếp công việc để đi viếng Dinh Thầy Thím trong các ngày cuối tuần, kết hợp với đi du lịch tại thị xã La Gi và các vùng lân cận. “Kết hợp thắp hương thể hiện lòng thành kính với Thầy Thím, gia đình còn tổ chức nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức hải đặc sản ở La Gi. Các địa điểm du lịch không cách xa nhau nhiều nên giúp cho cả nhà thực sự vui vẻ, tâm hồn thư thái”.

Lễ hội Dinh Thầy Thím năm nay gắn với dấu ấn 100 năm vùng đất La Gi - Hàm Tân, từ đó chuẩn bị cho chương trình lễ hội của năm sau, khi kỷ niệm 20 năm nơi đây trở thành Di tích cấp quốc gia (1997 - 2017).

Dinh Thầy Thím, gắn kết du lịch với văn hóa 2

Dinh Thầy Thím, gắn kết du lịch với văn hóa 3


TTXT du lịch Bình Thuận

Mục lục

Du lịch Bình Thuận
 - Du lịch Phan Thiết
   (1) Du lịch Mũi Né
              - Đồi Cát Bay
              - Suối Tiên
              - Hòn Rơm
   (2) Các điểm du lịch lân cận
              - Bãi biển Đồi Dương
              - Tháp Pôshanư
              - Dinh Thầy Thím
              - Núi Tà Cú
              - Bàu Trắng
              - Cù Lao Câu
              - Ghềnh Son
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang