Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Thanh Hóa quan tâm phát triển miền núi

14/04/2016 - 1796 view
Du lịch Thanh Hóa quan tâm phát triển miền núi

Thiên nhiên ban tặng cho du lịch Thanh Hóa khu vực miền núi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như đỉnh Pù Luông, Pù Hu, Hang Ma, Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, suối cá Cẩm Lương... và sự đa dạng về di tích lịch sử cách mạng, như: Chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), con đường 15C huyền thoại, sân bay Pù Luông. Bên cạnh đó, còn có kho tàng văn hóa phong phú của 6 dân tộc anh em Thái, Mường, Mông, Khơ Mú, Thổ, Dao... Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực miền núi.

Vài năm trở lại đây, du lịch Thanh Hóa khu vực miền núi đã hình thành các điểm du lịch sinh thái ở các Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy), làng Năng Cát, thác Ma Hao (xã Trí Nang, Lang Chánh)... Hoạt động du lịch đã được các tổ chức phi chính phủ và chính quyền các cấp, các nhà đầu tư hỗ trợ, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiệu quả của hoạt động du lịch cộng đồng được thể hiện rõ nét trên địa bàn các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh. Tại đây, nhiều hộ gia đình đã được Đại sứ quán Cộng hòa Ailen, tổ chức FEI hỗ trợ mở loại hình du lịch cộng đồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Anh Hà Văn Sĩ ở thôn Hiêu, xã Lũng Cao (Bá Thước), cho biết: Năm 2009, gia đình được Đại sứ Ailen tài trợ 30 triệu đồng để làm nhà nghỉ sinh thái đón khách du lịch Thanh Hóa. Gia đình đầu tư xây dựng thêm 3 nhà chòi, một nhà sàn 3 gian làm phòng nghỉ cho du khách; phối hợp với Công ty du lịch Anh Việt ở Hà Nội và được công ty đầu tư chăn màn, đệm và 2 nhà vệ sinh tự hoại với tổng giá trị 200 triệu đồng và giới thiệu khách du lịch Thanh Hóa từ Hà Nội cho gia đình. Mỗi năm, cơ sở của anh đã đón khoảng 400 khách du lịch (chủ yếu là khách du lịch nước ngoài) đến nghỉ và tham quan Pù Luông. Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 40 triệu đồng. Ngoài gia đình anh Sĩ, hiện nay trên địa bàn xã Lũng Cao đã có 25 hộ làm du lịch cộng đồng, doanh thu mỗi năm trên 400 triệu đồng, tạo việc làm cho trên 80 lao động tại địa phương.

Được biết, trong giai đoạn 2011-2015 UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển loại hình du lịch cộng đồng; vì vậy, nhiều điểm du lịch Thanh Hóa trên địa bàn các huyện miền núi đã được đưa vào quy hoạch, như: bản người Thái ở xã Hồi Xuân (Quan Hóa); phát triển sản phẩm du lịch trên sông Mã; du lịch cộng đồng văn hóa sinh thái ở Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên - Cửa Đạt, động Bo Cúng - Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Vườn Quốc gia Bến En... Tuy nhiên, do điều kiện các huyện miền núi còn nghèo, cơ sở hạ tầng còn thiếu, các loại hình dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; nhận thức của một số cán bộ, nhân dân ở các địa phương về du lịch còn hạn chế, chưa biết khai thác, phát huy lợi thế của du lịch cộng đồng...

Để du lịch cộng đồng ở miền núi xứ Thanh phát triển, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, thì việc tổ chức bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, kiến thức kinh doanh du lịch cộng đồng cho số lao động trẻ, có trình độ văn hóa là công việc cần làm ngay. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu, kêu gọi các công ty du lịch Thanh Hóa, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du lịch, sản phẩm du lịch; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống... có như vậy du lịch sinh thái cộng đồng ở miền núi xứ Thanh mới khai thác được thế mạnh để tạo ra bản sắc riêng cho mình.

Du lịch Thanh Hóa quan tâm phát triển miền núi 2

Du lịch Thanh Hóa quan tâm phát triển miền núi 3


TTXT du lịch Thanh Hóa

Mục lục

Du lịch Thanh Hóa
          - Bãi biển Sầm Sơn
          - Vườn quốc gia Bến En
          - Thành Nhà Hồ
          - Suối cá thần Cẩm Lương
          - Khu di tích Lam Kinh
          - Động Từ Thức