Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Thanh Hóa nâng chất lượng nhân lực

09/04/2016 - 2385 view
Du lịch Thanh Hóa nâng chất lượng nhân lực

Thông điệp “chất lượng nhân lực - chất lượng du lịch” đã được Tổ chức du lịch Thế giới nêu ra cách đây hơn 20 năm. Để rồi, cùng với sự vận động, biến đổi không ngừng của loại hình dịch vụ đặc biệt mang tên du lịch này, thông điệp ấy càng được minh chứng về tính đúng đắn và sự thiết yếu, nếu muốn du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như định hướng phát triển.

Những chuyển biến

Trong lĩnh vực du lịch, bên cạnh các yếu tố về tài nguyên, quy hoạch, sản phẩm, quảng bá xúc tiến, cở sở vật chất... thì con người - nhân lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Thậm chí, trong mỗi yếu tố cấu thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, rõ ràng đều có bóng dáng của con người trong việc vận hành các mắt xích của chuỗi hoạt động du lịch ấy sao cho thật trơn tru và hiệu quả. Là ngành mang tính phục vụ, du lịch cung cấp các dịch vụ như ăn, ở, đi lại, mua sắm, tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tìm hiểu khám phá thiên nhiên, văn hóa, lịch sử... thỏa mãn nhu cầu khách. Đồng thời, du lịch cũng được xem là ngành khá nhạy cảm, dễ “tổn thương” bởi chỉ cần một cử chỉ, thái độ, hành vi, cách ứng xử, ngôn ngữ... thiếu lịch sự, kém văn hóa của nhân viên hay người dân cũng dễ gây mất thiện cảm, mất lòng tin của du khách, thậm chí gây ra phản ứng dây chuyền bất lợi cho ngành du lịch của một địa phương hay cả quốc gia. Điều đó càng cho thấy, vai trò trọng yếu của nhân tố con người - nhân lực trong du lịch.

Ngành du lịch Thanh Hóa những năm gần đây đã và đang có nhiều chuyển biến quan trọng, đạt được nhiều thành quả khả quan, với nhiều tín hiệu tích cực về khả năng hình thành và phát triển của một ngành kinh tế mũi nhọn. Gần đây nhất, cùng với việc tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2015 - năm du lịch Thanh Hóa đã đón được lượng khách lớn nhất từ trước đến nay, với trên 5,5 triệu lượt khách và doanh thu 5.200 tỷ đồng. Phía sau con số ấy chính là cung cách tiếp đón, phục vụ của đội ngũ nhân viên du lịch, là sự thân thiện, mến khách của người dân xứ Thanh. Bởi, theo số liệu báo cáo của ngành văn hóa, thể thao và du lịch thì tính đến hết năm 2015, tổng số lao động trực tiếp hoạt động trong ngành du lịch khoảng 18.650 người (trong đó, lao động qua đào tạo bồi dưỡng chiếm 74,6%), ngoài ra 60% lao động cộng đồng tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch trọng điểm được bồi dưỡng du lịch và văn hóa giao tiếp, ứng xử trong hoạt động kinh doanh du lịch. Kết quả này phần nào cho thấy, đội ngũ nhân lực du lịch Thanh Hóa đang tăng cả về số lượng và được cải thiện đáng kể về mặt chất lượng, tạo cơ sở cho việc triển khai các quy hoạch tổng thể, cũng như chiến lược phát triển du lịch địa phương giai đoạn tiếp theo.

Nhiều việc phải làm

Tuy đang tăng lên hàng năm và chất lượng ngày càng được cải thiện, nâng cao, song so với nhu cầu của một ngành kinh tế mũi nhọn thì rõ ràng là bài toán nhân lực cho ngành du lịch vẫn còn thiếu đáp án trọn vẹn. Nâng cao chất lượng nhân lực là yêu cầu tất yếu, khách quan, xuất phát từ chính bản chất, yêu cầu phát triển nội tại ngành du lịch. Bởi như thông điệp của Tổ chức Du lịch thế giới được nêu ra cách đây hơn 2 thập kỷ: chất lượng nhân lực - chất lượng du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng và du lịch chắc chắn không tránh khỏi sự cạnh tranh gay gắt, trước hết là từ các quốc gia trong khu vực vốn gần chúng ta về điều kiện tự nhiên và văn hóa. Đó là chưa kể, đòi hỏi trước hết của hội nhập là trình độ người lao động, nhất là khả năng ngoại ngữ. Với ngành du lịch, đây càng là đòi hỏi cấp thiết. Ngoài ra, trước các yêu cầu của du lịch hiện đại, với đòi hỏi ngày càng cao của du khách cũng như các xu hướng mới du lịch, thì du lịch của mỗi quốc gia nói chung, mỗi địa phương nói riêng không thể tách mình ra ngoài xu thế phát triển chung ấy.

Vốn được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng, nhưng du lịch Thanh Hóa với đội ngũ nguồn nhân lực như hiện tại thì e là còn khá khiêm tốn. Đó là chưa kể, việc đào tạo cho đội ngũ này, phần lớn mới dừng lại ở việc bồi dưỡng ngắn ngày, chứ chưa phải là đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu tại các cơ sở đào tạo lớn, có uy tín, chất lượng. Trong khi đó, lao động du lịch không chỉ là những người trực tiếp tham gia vào các quá trình kinh doanh du lịch hay cụ thể hơn là những người trực tiếp cung ứng dịch vụ và phục vụ du khách, như lễ tân, nấu ăn, phục vụ ăn uống, thiết kế, xây dựng các chương trình/tour du lịch, người điều hành các chương trình du lịch, nhân viên marketing, hướng dẫn, thuyết minh viên, vận tải lữ hành...; mà còn là một lực lượng lao động bảo đảm điều kiện kinh doanh du lịch như nhân viên vệ sinh môi trường, tạp vụ, cung ứng hàng hóa, sửa chữa điện nước, bảo vệ... Song, nói đến nhân lực du lịch, thì đội ngũ quan trọng nhất - động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch đó là doanh nghiệp du lịch và cán bộ, công chức, viên chức quản lý Nhà nước về du lịch. Với đội ngũ đa dạng như thế, thì yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng sao cho phù hợp với từng đối tượng, từ người quản lý cao nhất đến nhân viên bình thường nhất, thiết nghĩ đều cần được đặt ra một cách nghiêm túc.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển ngành du lịch Thanh Hóa, ví như Quyết định 2218/QĐ-UBND, ngày 16/7/2009 của UBND tỉnh về Phê duyệt dự án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020, hay gần đây nhất là Quyết định 492 QĐ/UBND, ngày 9/2/2015 của UBND về việc Phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó đều có các giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể: xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch có hiệu quả theo cơ chế thị trường; mở rộng hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực với các cơ sở, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; xã hội hóa công tác giáo dục để nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách về văn hóa du lịch; hỗ trợ giáo dục cộng đồng cho những người dân trực tiếp tham gia hoạt động du lịch, chia sẻ kinh nghiệm du lịch Thanh Hóa; nâng cấp chất lượng các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch và thống nhất chương trình đào tạo khung tại các cơ sở chủ chốt, trên nền tảng đó xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của từng khu vực cụ thể; tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch tại các địa bàn trọng điểm, phát triển du lịch bằng các biện pháp thu hút cán bộ quản lý có trình độ, kinh nghiệm, kết hợp với việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ các cán bộ trẻ có nhiều tiềm năng phát triển; gắn kết hoạt động của các cơ sở đào tạo du lịch của tỉnh với nhu cầu nguồn nhân lực du lịch tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch, nhằm thực hiện đào tạo theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh việc liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch giữa các cơ sở đào tạo trong tỉnh và ngoài tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thực hiện đào tạo, tái đào tạo đội ngũ nhân viên...

Với các giải pháp đề ra cũng như quyết tâm thực hiện đúng và hiệu quả các giải pháp ấy, du lịch Thanh Hóa sẽ sớm xây dựng được đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, cao về chất lượng, có phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch hiện nay và tương lai.

TTXT du lịch Thanh Hóa

Mục lục

Du lịch Thanh Hóa
          - Bãi biển Sầm Sơn
          - Vườn quốc gia Bến En
          - Thành Nhà Hồ
          - Suối cá thần Cẩm Lương
          - Khu di tích Lam Kinh
          - Động Từ Thức