Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Hòa Bình khai phóng tiềm năng

14/04/2017 - 984 view
Du lịch Hòa Bình khai phóng tiềm năng

Du lịch Hòa Bình sở hữu những tài nguyên phong phú là những tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch. Nơi đây có nền văn hóa lâu đời, từng được biết đến là cái nôi của người Việt cổ có nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng với 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Vùng đất Hòa Bình cũng có nhiều truyền thuyết độc đáo và hấp dẫn như: Sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước”, truyền thuyết ông Đùng, bà Đùng, Út Lót - Hồ Liêu... Các dân tộc Thái, Mông, Dao có những nét văn hóa riêng biệt tạo nên sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú, nhiều lễ hội dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.

Hòa Bình có 4 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) là Ngọc Sơn - Ngổ Luông, thuộc huyện Tân Lạc và Lạc Sơn; khu BTTN Thượng Tiến (Kim Bôi); khu BTTN Hang Kia - Pà Cò, huyện Mai Châu; khu BTTN Pu Canh, huyện Đà Bắc có hệ động, thực vật phong phú là tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, Hòa Bình có khu hồ sông Đà là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia (DLQG). Theo đó, hồ Hòa Bình là 1/12 khu DLQG trọng tâm của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Du lịch Hòa Bình - Mai Châu cũng được xác định quy hoạch điểm du lịch quốc gia.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 296 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó có hơn 70 hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền Văn hóa Hòa Bình, 42 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh đang được tu bổ, tôn tạo. Một số di tích đang trở thành điểm thu hút nhiều khách tham quan du lịch Hòa Bình như quần thể di tích chùa Tiên, di tích Đồn điền Chi Nê và Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng ở huyện Lạc Thủy; di tích khảo cổ hang xóm Trại, huyện Lạc Sơn; di tích lịch sử văn hóa đền Thác Bờ, huyện Đà Bắc... Tỉnh đã quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tổ chức khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc. Trong đó, nhiều lễ hội đã trở nên nổi tiếng được tổ chức vào dịp đầu năm mới như: Lễ hội chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội đền Bờ, Lễ hội Xên Mường...

Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm quản lý và khai thác tài nguyên, phát triển các loại hình du lịch, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các điểm du lịch Hòa Bình đa dạng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Nhiều điểm, khu du lịch đang hoạt động khá hiệu quả như: Khu du lịch hồ Hòa Bình; khu nghỉ dưỡng cao cấp Serena Kim Bôi; khu du lịch An Lạc, xã Vĩnh Đồng; điểm du lịch Mai Châu Ecolodge (Nà Phòn), Mai Châu Villas; sân golf Phượng Hoàng (huyện Lương Sơn); điểm du lịch sinh thái Vịt Cổ xanh, thác Thăng Thiên, Cửu thác Tú Sơn...; Bảo tàng không gian văn hóa Mường, Bảo tàng di sản văn hóa dân tộc Mường (thành phố Hòa Bình); Làng văn hóa Việt - Mường (huyện Lương Sơn), Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam (huyện Cao Phong)...

Mấy năm nay, số lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch phát triển khá khả quan. Năm 2016, các địa điểm du lịch Hòa Bình đón hơn 2,2 triệu lượt khách, vượt 13,7% kế hoạch, trong đó, khách quốc tế đạt 22,7 vạn lượt, trong nước hơn 2 triệu lượt, đạt doanh thu 576 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động du lịch hơn 1.000 tỷ đồng. Quý I/2017, tỉnh đón 850.000 lượt khách, đạt 37,6% kế hoạch năm, trong đó, khách quốc tế 7 vạn lượt người, trong nước 78 vạn lượt người, doanh thu đạt 350 tỷ đồng.

BTV Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển du lịch Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: Đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ; sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, thân thiện với môi trường, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Nghị quyết cũng xác định những nhiệm vụ cụ thể như: Tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng chất lượng cao. Xây dựng điểm du lịch Mai Châu đạt các tiêu chí là điểm du lịch quốc gia vào năm 2020; khu du lịch hồ Hòa Bình đạt các tiêu chí của khu du lịch quốc gia vào năm 2025. Phấn đấu phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Tây Bắc, khu vực trung du, miền núi phía Bắc, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch, rà soát các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, tăng cường công tác thông tin, quảng bá, thực hiện chính sách khuyến khích ưu đãi thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực tham gia đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, nhất là khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã được phê duyệt, điểm du lịch quốc gia huyện Mai Châu, đáp ứng nhu cầu khách, thực hiện mục tiêu xây dựng ngành du lịch Hòa Bình trở thành ngành kinh tế quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

TTXT du lịch Hòa Bình

Mục lục

Du lịch Hòa Bình
          - Bản Lác Mai Châu
          - Du lịch Thung Nai
          - Suối khoáng Kim Bôi
          - Đèo Thung Khe