Địa điểm du lịch Kênh gym

Làng tranh Đông Hồ giữ nét tươi trong

05/02/2015 - 1378 view
Làng tranh Đông Hồ giữ nét tươi trong

Một chiều cuối năm, tôi về làng tranh Đông Hồ, Bắc Ninh. Men theo bờ đê sông Đuống phủ đầy nắng vàng, tôi cố hình dung phiên chợ tranh ngày Tết tấp nập kẻ mua, người bán xưa kia theo lời kể của bà ngoại...

Sinh ra ở làng quê bên bờ nam sông Đuống, hình ảnh về những phiên chợ tranh ngày Tết vẫn thường được bà tôi kể lại cho con cháu mỗi khi hoài niệm. Thuở bé, cứ vào tháng Chạp, khi việc nhà nông đã bớt phần bộn bề, bà lại được người lớn trong nhà cho sang làng tranh Đông Hồ đi chơi chợ. Khắp chợ là hàng ngàn, hàng vạn bức tranh với đủ màu sắc rực rỡ bó thành từng tập hoặc trưng ra cho khách thỏa sức ngắm nghía. Người đi chợ đông như trảy hội. Mà đúng là hội thật bởi lẽ chẳng cứ là người trong vùng, người buôn bán mà người ở tứ xứ thập phương đều đổ về ngắm tranh, thưởng ngoạn. Đi cả buổi, ngắm mỏi mắt cũng chỉ để chọn ra một bức tranh tâm đắc nhất mua về treo chơi cho thỏa nỗi háo hức, chờ mong.

Ngồi tại nhà của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nhắc đến chợ tranh Tết, ông trầm ngâm: “Không nhắc thì thôi, chứ nhắc đến lại thấy tiếc. Thời ấy, cứ độ tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm là cả làng tranh Đông Hồ lại tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết. Giấy dó được mang ra quét hồ, phơi khô rồi lại quét điệp, phơi khô, cẩn thận kỳ công đến khi đạt được độ mịn, sáng bóng thì mới in tranh. Những ngày nắng hanh, mọi khoảng trống trong làng tranh dân gian Đông Hồ từ sân nhà, sân đình, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp... đều được tận dụng để phơi tranh, khắp nơi rực rỡ sắc màu giấy điệp. Được bức nào thì bó lại mang cất cẩn thận đợi đến ngày chợ phiên bày bán. Cả tháng Chạp có 5 ngày chợ phiên thì ngày nào cũng kẻ mua, người bán tấp nập, nhộn nhịp. Lúc trước dân mình còn khổ nhưng quý tranh lắm. Mua được tờ tranh người ta nâng niu treo ở vị trí trang trọng để khách đến chơi nhà cùng ngắm. Bức tranh như một vật cầu chúc những điều tốt lành, may mắn, đủ đầy... Tiếc rằng bây giờ người ta không giữ được thú chơi tranh ngày Tết nữa, những phiên chợ tranh cũng chẳng còn”.

Đến thăm làng tranh Đông Hồ ngày nay, dẫu rằng chẳng còn nhìn thấy cảnh giấy điệp phơi rợp khắp trong nhà, ngoài ngõ nữa nhưng vẫn còn đó những người quyết tâm gìn giữ đến cùng di sản dân tộc như gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam. Với tâm huyết của mình hai ông đã thu gom, gìn giữ hàng nghìn bản khắc gỗ cổ và cả bí quyết làm tranh từ thời tổ tiên để truyền dạy cho con, cháu trong nhà. Điều đáng quý là dù thời đại công nghệ hiện đại đến đâu hai ông vẫn căn dặn con cháu phải tuân thủ nguyên vẹn cách thức làm tranh truyền thống, không sử dụng máy móc, phẩm màu thay thế bởi lẽ như vậy sẽ làm mất đi “hồn dân tộc” trong mỗi bức tranh dân gian Đông Hồ.

Tận mắt chứng kiến thế hệ thứ hai, thứ ba của gia đình nâng niu những bản khắc cổ in trên nền giấy điệp lại được các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ giới thiệu, lý giải ý nghĩa của từng bức tranh, tôi chợt hiểu muốn tạo ra một tác phẩm tranh Đông Hồ không chỉ cần kỹ năng mà còn đòi hỏi một sự nhạy cảm thiên bẩm của người nghệ sĩ. Đằng sau những bức tranh màu sắc tươi sáng ấy là những câu chuyện dung dị ẩn chứa trong mỗi nét vẽ, lời tựa, màu in. Từ chuyện làng đến chuyện nước, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ vinh quy bái tổ, cưới vợ gả chồng đến chuyện chăn trâu, thổi sáo, đánh ghen... đều được gói ghém lại bằng những góc nhìn thật gần gũi, giản dị về cuộc sống, gửi gắm hệ tư tưởng của cha ông ta xưa cùng với những triết lý, nhân sinh quan chẳng bao giờ lỗi thời. Phải chăng đó là “nét tươi trong” mà nhà thơ Hoàng Cầm nhắc đến trong tác phẩm thơ bất hủ “Bên kia sông Đuống” và chính vẻ đẹp dung dị, tươi sáng ấy đã tạo sức sống trường tồn của dòng tranh quý này suốt gần 5 thế kỷ qua.

Gần đây hàng loạt tin vui đã đến với nghề làm tranh dân gian Đông Hồ như được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020 định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt... Với những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ đã bước qua sườn dốc bên kia cuộc đời, tất cả như một sự đền đáp xứng đáng với những tâm huyết, công sức bấy lâu nay bởi tranh Đông Hồ dẫu không thể trở lại thời hoàng kim nhưng đang tìm lại được đúng vị trí, giá trị vốn có.

TTXT du lịch Bắc Ninh

Mục lục

Du lịch Bắc Ninh
          - Làng tranh Đông Hồ
          - Đền Bà Chúa Kho
          - Chùa Bút Tháp
          - Chùa Dâu