Địa điểm du lịch

Bức tranh Đèo Khau Phạ qua bút thơ của Ngọc Loan

24/11/2014 - 2543 view
Bức tranh Đèo Khau Phạ qua bút thơ của Ngọc Loan

Đèo Khau Phạ (tiếng Thái có nghĩa là sừng trời) là một cung đèo vừa nổi tiếng về cả địa lý lẫn lịch sử. Đèo nằm trên tuyến quốc lộ 32, cao 1.200m so với mực nước biển, dài tới 32km, nằm trên địa phận Văn Chấn và Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đường đèo quanh co uốn lượn. Đỉnh đèo quanh năm mây vờn, phủ. Đèo Khau Phạ được coi là một trong Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc (Pha Đin, Ô Quy hồ, Mã Pì Lèng, Khau Phạ).

Năm 1945, tại đèo Khau Phạ đã ra đời đội du kích Cao Phạ của đồng bào Mông. Lợi dụng địa hình đèo dốc, rừng già và mây mù, đội đã đánh chặn, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân của địch từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu, Lào Cai. Người Thái coi Khau Phạ là sừng trời, còn người Mông thì coi Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể thấu trời, khi gặp điều chẳng lành họ lại về Khau Phạ khấn trời. Còn trong thi ca, nhà thơ Ngọc Loan đã viết:

Khau Phạ
...............chiều nay
..............................đất trời như tranh
Dưới chân
.................ruộng nhà ai
....................................trập trùng cao thấp
Lưng đồi
..............lúa chín ươm vàng
............................................xếp thẳng hàng
....................................................................đọ sức với trời mây
Cầu vồng bảy sắc nối nhịp
..........................................đàn ngựa
.........................................................nhởn nhơ về bản
....................................................................................lãng đãng
...................................................................................................trong mây chiều.
Đất trời như nhủ
..........................tiện đường
...........................................ta lên uống rượu với trời chăng!

Tác giả Ngọc Loan một lần qua đèo Khau Phạ đã cảm hứng viết bài thơ này. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, các câu thơ được ngắt dòng theo kiểu bậc thang. Hình ảnh "đất trời" Khau Phạ được so sánh với bức tranh. Một không gian tự nhiên được coi là một không gian nghệ thuật. Màu sắc của tạo hóa trở thành mằu sắc của họa sỹ. Thực ra, tác giả Ngọc Loan đã vẽ lên một bức tranh đèo Khau Phạ bằng ngôn ngữ thơ. Hình ảnh đầu tiên của bức tranh là ruộng bậc thang. Tác giả Ngọc Loan chỉ bằng vài nét vẽ: “…trập trùng cao thấp/ lúa chín  ươm vàng/ xếp thẳng hàng/ đọ sức trời mây”. Đây đúng là hình ảnh ruộng bậc thang bản Cao Phạ dưới chân đèo vào dịp tháng 9, tháng 10 chín vàng ươm như những nấc thang vàng bắc lên trời cao.

Đã là đèo thì ắt phải có chiều cao và tầng  bậc. Ngọc Loan vẽ lên chiều cao, tầng bậc của đèo Khau Phạ bằng những nét vẽ vừa thực vừa ảo. Từ dưới chân đèo lên cao dần tới tận lưng đồi là ruộng bậc thang lúa đang chín ươm vàng, tiếp đó là con đường về bản như những cầu vồng bảy sắc, những đàn ngựa nhởn nhơ về bản lãng đãng trong mây. Các nhà lý luận nói: Không gian nghệ thuật là không gian tâm lý, nó được tạo bởi hiện thực và cảm xúc của nghệ sỹ. Ở đây, không gian đèo Khau Phạ trong bài thơ đúng là đã được tạo dựng bằng những chi tiết vốn có của Khau Phạ, cộng với cảm xúc mãnh liệt, khỏe khoắn và cảm hứng đầy lãng mạn của tác giả.

Tác giả cũng đã sử dụng thủ pháp tương phản nhưng không phải để tạo nên những đối lập mà là tạo nên những cặp đối xứng: ruộng trập trùng, lúa chín ươm vàng đối xứng với trời cao; đàn ngựa nhởn nhơ trên đường về bản đối xứng với mây chiều lãng đãng. Đó là sự đối xứng giữa cái cụ thể, hữu hạn, trần gian với cái trừu tượng, vô hạn của không gian vũ trụ, để diễn tả sự kỳ vĩ của đèo Khau Phạ và những thành quả lao động của con người. Một thế giới vừa thực lại vừa huyền ảo mang những vẻ đẹp độc đáo, đầy chất Tây Bắc.

Những câu thơ được tác giả ngắt dòng theo kiểu bậc thang cùng với những nhịp ngắn, dài đan xen, tạo nên chất nhạc của bài thơ. Đọc lên thấy nhịp điệu của điệu khèn Mông trữ tình, dìu dặt lúc trầm lắng, lúc dâng cao, ngân dài, vang xa. Đây cũng là nhịp điệu những điệu múa Mông truyền thống. Và một điều nữa tuy tác giả không trực tiếp nói ra nhưng qua những hình ảnh thơ đã cho thấy cuộc sống ấm no, tươi vui, sự thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất của người Mông, định canh, định cư, trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang.

Suốt bài thơ, tác giả chỉ “vẽ tranh” về đèo Khau Phạ. Câu thơ kết mới trực tiếp bộc lộ cảm xúc cá nhân: Đất trời như nhủ/ tiện đường/ ta lên uống rượu với trời chăng! Có người bảo là Ngọc Loan nói liều quá. Theo tôi đây chính là cảm hứng lãng mạn được khơi gợi lên từ hiện thực: “Đất trời như nhủ” và không có cái cảm hứng ấy làm sao viết được thơ ca. Chính cảm hứng ấy đã giúp ngòi bút của Ngọc Loan như cây cọ của hoạ sĩ tạo nên những nét vẽ phóng khoáng vừa khỏe khoắn, vừa mềm mại, trữ tình về đèo Khau Phạ. Thơ về đèo dốc ở Việt Nam ta có nhiều bài hay nhưng “Khau Phạ” của Ngọc Loan vẫn đặt dấu ấn riêng.

Hiền Lương - TTXT du lịch Yên Bái

Mục lục

Du lịch Yên Bái
          - Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
          - Đèo Khau Phạ
          - Hồ Thác Bà
          - Làng nghề tranh đá quý Lục Yên
          - Đền Đông Cuông
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang