Địa điểm du lịch

Du lịch Thanh Hóa hút vốn đầu tư

20/04/2017 - 2085 view
Du lịch Thanh Hóa hút vốn đầu tư

Du lịch Thanh Hóa được đánh giá là có trữ lượng tài nguyên du lịch thuộc top đầu cả nước, bởi sự đa dạng, phong phú các danh thắng tự nhiên và sự giàu có vốn văn hóa truyền thống. Đồng thời, nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc bộ với Trung bộ, tỉnh ta đang nắm giữ lợi thế lớn về giao thông, với việc hội đủ các loại hình gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển.

Đây không chỉ là những điều kiện tiên quyết để phát triển các điểm du lịch Thanh Hóa, mà còn là thế mạnh hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Với lịch sử khai thác 110 năm, Sầm Sơn có thể coi là một ví dụ điển hình của Thanh Hóa trong đầu tư khai thác lợi thế biển để phát triển du lịch. Cách đây hơn 1 thế kỷ, người Pháp sau khi khảo sát kỹ càng địa danh này, cả về cảnh quan thiên nhiên, chế độ mùa, nhất là độ mặn, sóng, cát của bãi biển... đã quyết định xây dựng Sầm Sơn thành khu nghỉ mát hàng đầu Đông Dương. Những tòa lâu đài, biệt thự kiểu châu Âu, nhà hàng, khu phố nhỏ, chợ búa cũng được xây dựng để phục vụ nhu cầu cho quan lại Pháp, Việt thời bấy giờ.

Cùng sự biến đổi thời cuộc, Sầm Sơn ngày càng đổi mới để trở thành đô thị du lịch văn minh, hiện đại. Với sự hiện diện của một loạt các dự án, công trình trăm tỷ, nghìn tỷ vài năm trở lại đây, Sầm Sơn đang trở thành “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư vào nghỉ dưỡng, resort du lịch Thanh Hóa. Với tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng và những kết quả đạt được sau hơn 2 năm hoạt động, đặc biệt là với đẳng cấp quốc tế và tính chuyên nghiệp, FLC Samson Beach & Golf Resort có thể xem là đại dự án đang mở ra kỳ vọng phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch Thanh Hóa. Đồng thời, đây cũng là một minh chứng thuyết phục về tầm nhìn và chính sách thu hút đầu tư vào du lịch của địa phương. Cùng với FLC Samson Beach & Golf Resort, diện mạo Sầm Sơn đang không ngừng hoàn thiện, để xứng tầm đô thị du lịch biển trọng điểm Quốc gia, nhờ bởi một loạt các dự án quan trọng, như Khu du lịch sinh thái Quảng Cư có tổng mức đầu tư trên 724 tỷ đồng; Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương có tổng mức đầu tư 315,923 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái hai bên bờ sông Đơ có tổng mức đầu tư 803,778 tỷ đồng... Ngoài ra, việc nâng cấp hệ thống giao thông cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhằm thúc đẩy các dự án hạ tầng kỹ thuật “chạy” đúng tiến độ, đồng thời, góp phần tạo nên diện mạo khang trang, hiện đại cho đô thị du lịch biển. Đó là đường Hồ Xuân Hương ven biển dài 3,5 km từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài, được đầu tư 386,4 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng trước dịp khai trương hè năm 2016; dự án đường Trần Nhân Tông đoạn từ điểm cuối giai đoạn 1 đại lộ Nam Sông Mã đến đường Nguyễn Du, có tổng mức đầu tư trên 126 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ là một trong những dự án giao thông trọng tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Sầm Sơn với bạn bè và du khách.

Từ điểm nhấn du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa đang có tiền đề vững chắc cho sự chuyển biến cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Trong cuộc trao đổi gần đây, bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở du lịch Thanh Hóa đã khẳng định: Thành công trong thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch là điểm nổi bật nhất trên bản đồ du lịch Thanh Hóa thời gian qua. Nhờ đó, Thanh Hóa đang được biết đến như một điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2011-2015, có khoảng 140 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt đáng chú ý là trên 40 dự án nghỉ dưỡng cao cấp, với hệ thống khách sạn Thanh Hóa, biệt thự, resort đa dạng trải dọc bờ biển đã và đang triển khai tại Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Tiên Trang (Quảng Xương), Hải Hòa (Tĩnh Gia)... cùng với nhiều dịch vụ giải trí, thể thao, chơi golf và các loại hình dịch vụ bổ trợ khác, đã góp phần nâng cao chất lượng du lịch biển nói riêng và vị thế của du lịch tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Hiệu quả đầu tư được phản ánh rõ nét nhất ở sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa thông qua các con số đáng kể về lượng khách, ngày lưu trú và doanh thu lại tạo ra “lực hấp dẫn” đối với nhà đầu tư. Minh chứng là, Thanh Hóa đang đón làn sóng đầu tư lớn vào du lịch. Chỉ tính riêng năm 2016, đã có 12 dự án đầu tư kinh doanh du lịch được cấp phép và đang triển khai thực hiện, với tổng vốn đăng ký 12.841 tỷ đồng; 30 dự án cơ sở lưu trú được triển khai, với tổng vốn đầu tư 1.225 tỷ đồng, trong đó nhiều khách sạn với quy mô lớn, chất lượng cao như khách sạn Mặt trời mọc, Central, HTH-MOSCOW, Thành Minh... đã đưa vào khai thác, góp phần tăng cường năng lực phục vụ của ngành du lịch. Đặc biệt, sau tập đoàn FLC, Thanh Hóa tiếp tục đón các tên tuổi đẳng cấp như tập đoàn Vingroup với Tổ hợp thương mại - khách sạn 5 sao tại trung tâm du lịch thành phố Thanh Hóa đang dần hoàn thiện. Hay, gần đây nhất là dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế tại Vườn quốc gia Bến En của tập đoàn Sungroup. Với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích quy hoạch lên đến 1.492,68 ha, gồm các phân khu thương mại - dịch vụ, khách sạn - resort, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ, công trình hỗn hợp, khu cắm trại và vui chơi giải trí ngoài trời, làng dân tộc, khu cây xanh - mặt nước, nông nghiệp sinh thái... Có thể nói, đây sẽ là khu nghỉ dưỡng phức hợp đáng mơ ước và sự hiện diện của nó sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan - kiến trúc và chất lượng cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại Thanh Hóa.

Như khẳng định của đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, thì các giải pháp chính sách hợp lý, linh hoạt và hiệu quả trong quy hoạch, đất đai, đào tạo lao động, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... là cơ sở để Thanh Hóa thu hút đầu tư vào du lịch. Cùng với đó là nhiều chuyển biến trong công tác quản lý Nhà nước, xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm, thương hiệu du lịch... đã góp phần vừa thúc đẩy du lịch tăng trưởng và tạo hình ảnh đẹp về Thanh Hóa trong mắt nhà đầu tư. Đặc biệt, công tác khoanh vùng, lập quy hoạch cụ thể các điểm, khu du lịch Thanh Hóa quan trọng và đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, giao thông các điểm đến đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh du lịch trên địa bàn những năm qua.

Với định hướng xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Thanh Hóa là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước vào năm 2020, có thể nói du lịch đang được đặt trên thang bậc vị thế cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tỉnh cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho ngành kinh tế quan trọng này, đặc biệt là tập trung kêu gọi các nhà đầu tư tìm hiểu các cơ hội đầu tư vào du lịch. Đây là cách hiệu quả nhất góp phần biến tiềm năng thành lợi thế phát triển, cũng như nhanh chóng đổi mới cả về diện mạo và chất lượng phục vụ của du lịch Thanh Hóa.

TTXT du lịch Thanh Hóa

Mục lục

Du lịch Thanh Hóa
          - Bãi biển Sầm Sơn
          - Vườn quốc gia Bến En
          - Thành Nhà Hồ
          - Suối cá thần Cẩm Lương
          - Khu di tích Lam Kinh
          - Động Từ Thức
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang