Địa điểm du lịch Kênh gym

Đền Tiên La đón bằng di sản quốc gia

16/04/2016 - 1952 view
Đền Tiên La đón bằng di sản quốc gia

Vào tối ngày 16/4, tại xã Ðoan Hùng, UBND huyện Hưng Hà long trọng tổ chức khai mạc lễ hội đền Tiên La Thái Bình 2016 và đón Bằng chứng nhận lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ðặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo huyện Hưng Hà cùng đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đã tới dự.

Theo thuyết minh về đền Tiên La, đây là nơi thờ Ðông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục, người đã có công cứu nước, cứu dân từ buổi đầu Công nguyên. Theo dân gian lưu truyền, bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân, xuất thân trong gia đình nhà nho ở Phượng Lâu (Việt Trì, Phú Thọ). Khi quân Ðông Hán sang cướp nước ta, Thái thú Tô Ðịnh tàn bạo đã ép bà làm vợ. Bị bà từ chối, Tô Ðịnh đã giết cha của bà và cho quân lùng bắt bà. Không để rơi vào tay giặc, Vũ Thị Thục đã phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La, Ða Cương Hương (Hưng Hà ngày nay). Tại đây, bà được người dân che chở, đưa xuống thuyền xuôi dòng sông Hồng đến Tiên La. Bà đã chiêu mộ quân sĩ, luyện tập binh mã để đền nợ nước, trả thù nhà, tự xưng là Bát nạn tướng quân. Khi Hai Bà Trưng dấy binh chống quân Ðông Hán, Bát nạn tướng quân đã đem quân sĩ hội quân cùng Hai Bà Trưng đánh giặc, lập nhiều chiến công, được Hai Bà Trưng phong là Ðông Nhung đại tướng quân. Trong trận chiến đấu cuối cùng, Bát nạn tướng quân cùng quân sĩ của mình đã anh dũng hy sinh. Nhân dân địa phương đã lập đền thờ tại nơi bà hy sinh; hàng năm vào dịp trung tuần tháng ba âm lịch lại mở lễ hội tri ân công đức, giáo dục truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Bằng chứng nhận lễ hội đền Tiên La là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Hà. Thay mặt Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp to lớn của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân hai xã Ðoan Hùng, Tân Tiến nói riêng, huyện Hưng Hà nói chung trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa truyền thống. Ðồng chí đề nghị trong thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng với người dân địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy giá trị gốc của di tích và lễ hội, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di tích với du khách thập phương thông qua lễ hội. Tăng cường quản lý, bảo tồn bền vững và phát huy toàn diện, có hiệu quả các giá trị của di tích, trong đó chú trọng bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, tính đặc thù, độc đáo của lễ hội đền Tiên La gắn với hoạt động du lịch, góp phần phát huy giá trị to lớn của di tích và lễ hội.

Trong khuôn khổ các hoạt động của lễ hội đền Tiên La năm 2016, lễ rước bộ, rước nước đã được tổ chức long trọng với ý nghĩa tưởng nhớ công ơn Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Lễ rước bộ, rước nước có sự tham gia của hàng trăm đoàn rước, gồm du khách thập phương cùng đông đảo nhân dân hai xã Ðoan Hùng, Tân Tiến. Ðây là loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc sắc. Phần quan trọng nhất trong lễ rước chính là việc lấy nước thánh. Trên quãng đường thuyền đi đến nơi dòng nước trong sạch, tinh khiết giữa sông Luộc, mọi người cùng nhau làm lễ, cầu nguyện. Giữa không gian mênh mông của sông nước, đối với mỗi người, điều này lại càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Tới ngã ba sông Luộc, đoàn thuyền dừng lại, lấy nước thánh đầy chum rồi cùng khởi hành trở về với niềm hân hoan. Sau khi tế lễ, nước ở trong chum được lấy ra để làm lễ mộc dục (lễ tắm cho tượng Mẫu). Trong những ngày mở hội, dân làng khu vực đền Tiên La còn tổ chức rước Mẫu về chùa với ý niệm: “Ðưa Mẫu về thăm lại chốn xưa”. Lễ rước bộ, rước nước với các đoàn rước đi dài ven đê, trống dong cờ mở rợp trời đã tạo nên một khung cảnh tráng lệ và nhộn nhịp quen thuộc của đời sống làng xã từ thời mở nước.

TTXT du lịch Thái Bình

Mục lục

Du lịch Thái Bình
          - Bãi biển Đồng Châu
          - Cồn Vành
          - Cồn Đen
          - Chùa Keo Thái Bình
          - Đền Tiên La
          - Làng vườn Bách Thuận
          - Làng chạm bạc Đồng Xâm