Địa điểm du lịch

Đền Tiên La - Thái Bình

Đền Tiên La Thái Bình

Đền Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình) có quy mô lớn và kiến trúc đẹp, đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1986. Đền thờ Mẫu Tiên La - Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục (hay còn gọi Bát Nàn tướng quân), một nữ tướng lừng danh dưới thời Hai Bà Trưng, đã có công đánh quân xâm lược phương Bắc.


Lịch sử Đền Tiên La

Người dân trong vùng lưu truyền câu chuyện về nữ tướng Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương) cũng trùng với nội dung sử sách còn lưu lại trong đền. Sinh ra trong một gia đình làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người, Thục Nương lớn lên không chỉ đẹp người, đẹp nết, văn võ song toàn mà còn giàu lòng nhân ái. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Chân. Đôi trai tài gái sắc đang chờ ngày cưới thì tai hoạ ập đến.

Vào thời đó, nước ta là thuộc địa của phong kiến phương Bắc, do viên quan thái thú nhà Hán có tên Tô Định cai trị. Hắn vốn tham tiền, hám sắc, lại tàn bạo. Biết tin Thục Nương là cô gái tài sắc vẹn toàn, Tô Định cho lính bắt phụ thân và chồng chưa cưới vào dinh, ép buộc phải gả nhường Thục Nương cho hắn. Bị cự tuyệt, Tô Định tìm cách giết hại cha Thục Nương và Phạm Danh Hương, sau đó cho quân về lùng bắt Thục Nương. Hay tin dữ, Thục Nương giả vờ chấp lệnh lên kiệu, bất ngờ dùng đôi kiếm bạc phá vòng vây mở đường ra bến sông, chèo thuyền mải miết một ngày đêm về tới hương Đa Cương, vào chùa Tiên La nương nhờ cửa Phật.

Nợ nước thù nhà, Thục Nương chiêu tập binh mã, dựng cờ khởi nghĩa mang bốn chữ vàng “Bát Nạn tướng quân”, lập đàn tế trời dấy binh chống lại quân xâm lược phương Bắc. Nghĩa quân do Bà chỉ huy ngày càng lớn mạnh và làm tổn thất rất nhiều quân địch. Sau hay tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa tại Hát Môn, Thục Nương đem quân hợp sức với quân của Hai Bà Trưng, được phong “Đông Nhung Đại Tướng Quân”. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã giành toàn thắng vào mùa xuân năm 40.

Bị thất bại nặng nề, nhà Hán sai Mã Viện đem quân sang đánh nước ta. Thế giặc rất mạnh, quân ta phải rút lui dần... Cuối năm 43, cuộc chiến chống xâm lược của Hai Bà Trưng thất bại, nữ tướng Bát Nạn và nghĩa quân Đa Cương phải về Tiên La cố thủ. Quân Hán tiếp tục vây ép, căn cứ Tiên La bị phá. Trong trận chiến cuối cùng, Bát Nạn tướng quân cùng quân sỹ của mình đã hy sinh ở gò Kim Quy vào ngày 17/3/43. Nhân dân vô cùng thương tiếc, đã lập đền thờ, tưởng nhớ công đức của Bà.


Kiến trúc Đền Tiên La

Đền được xây trên gò Kim Quy với diện tích gần 6.000m², theo đúng nguyên mẫu kiến trúc cổ “Tiền nhất - Hậu đinh”, từ cột, kèo đến đao mái uốn cong với kiểu dáng Lưỡng Long Chầu Nguyệt. Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc. Bao quanh đền là những rặng nhãn sum suê, xanh tốt.

Theo thuyết minh về đền Tiên La, nơi đây bao gồm các công trình chính như: tam quan ngoại, tam quan nội, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung. Qua tam quan ngoại, sân đền là đến tam quan nội, hai bên có Lầu cậu, Lầu cô. Đi tiếp sẽ đến nhà Tiền tế gồm 5 gian, được kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ công phu các họa tiết như “Long - Lân - Quy - Phượng” đan xen với “Thông - Trúc - Cúc - Mai”. Tại đây còn có những bức đại tự có nội dung ca ngợi triều Trưng Vương và đức hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nạn.

- Kế tiếp là nhà Trung tế của khu di tích đền Tiên La, được xây dựng theo kiểu nhà phương đình, kiến trúc “chồng diêm cổ các”. Đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng đều bằng đá như hệ thống cột đá, xà đá, kèo đá... Các cột, kèo được chạm khắc rất tinh xảo, trong đó 4 cột cái chạm tứ linh, 12 cột quân chạm long vân, 8 xà chạm “Thông - Trúc - Cúc -  Mai” đan xen  “Long - Lân - Quy - Phượng”, sườn cột và 8 kèo đá chạm điểm băng hoa dây và chữ triện.

- Đi sâu vào bên trong tham quan đền Tiên La sẽ đến Hậu cung được kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, gồm 3 gian: trong đó gian giữa đặt một ban thờ, trên có ngai và tượng thờ Bát Nạn tướng quân, xung quanh thờ các tướng sỹ của Bà; cùng gian bên trái thờ thân phụ, và gian bên phải thờ thân mẫu của Bà. Trên nóc Hậu cung treo bức đại tự đề bốn chữ: “Vạn Cổ Anh Linh”. Tương truyền, đây còn là nơi đặt mộ của Bát Nạn tướng quân.

Cùng với kiến trúc đặc sắc, đền Mẫu Tiên La Thái Bình còn lưu giữ nhiều đồ tế khí, đồ thờ có niên đại từ thời Trần, Lê, và các sắc phong thần như: Ý Đức Đoan Trang Thục công chúa (đời Vua Lê Thánh Tông), Dực Bảo Trung Hưng linh phù chi thần (đời vua Minh Mạng ), Dực Bảo Trung Hưng linh phù Thượng đẳng thần (đời vua Khải Định)...


Lễ hội Đền Tiên La

Từ ngày 10 đến 20 tháng 3 âm lịch hàng năm, Lễ hội đền thu hút đông đảo du khách thập phương về dự, cùng tưởng nhớ công ơn Bát Nạn Tướng Quân. Trong đó, chính hội là ngày 17, trùng ngày mất của Bát Nạn tướng quân.

- Lễ hội đền Tiên La Thái Bình được tổ chức công phu, bao gồm các nghi thức tế lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: rước kiệu, rước nước, đánh đáo, thổi sáo trúc, chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử... Ngoài ra, nhiều đoàn nghệ thuật của tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận cũng đến biểu diễn các tiết mục đặc sắc như các vở chèo: Quan âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Phạm Tải - Ngọc Hoa...
Đền Tiên La đậm nét kiến trúc cổ
Đền Tiên La đậm nét kiến trúc cổ
Đền Tiên La tỉnh Thái Bình
Đền Tiên La tỉnh Thái Bình
Đền Tiên La đông khách hành hương
Đền Tiên La đông khách hành hương

Mục lục

Du lịch Thái Bình
          - Bãi biển Đồng Châu
          - Cồn Vành
          - Cồn Đen
          - Chùa Keo Thái Bình
          - Đền Tiên La
          - Làng vườn Bách Thuận
          - Làng chạm bạc Đồng Xâm
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang