Địa điểm du lịch Kênh gym

Làng tranh Đông Hồ - Bắc Ninh

Làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh

Làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) nằm bên bờ sông Đuống êm đềm, từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, và là dòng tranh được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.


Tranh dân gian Đông Hồ

Đây là dòng tranh in từ ván khắc gỗ, vốn gắn bó với người dân vùng châu thổ Bắc Bộ, và khá gần gũi với đại đa số người dân Việt Nam, nhắc tới tranh Đông Hồ hầu như ai cũng biết. Ý nghĩa tranh Đông Hồ thường thể hiện cuộc sống lao động của người nông dân chất phác, khắc họa ước mơ ấm no, hạnh phúc.

Tranh Đông Hồ không áp dụng chặt chẽ theo các nguyên tắc về hình thể hay ánh sáng như tranh hiện đại, mà chỉ mang tính ước lệ trong bố cục, nhưng rất độc đáo trong việc sử dụng những đường nét tiết giản và những mảng màu dẹt đều, vốn là màu tự nhiên của cỏ cây, hoa lá trên nền giấy dó quét điệp óng ánh.

Trước kia, tranh Đông Hồ chủ yếu phục vụ cho dịp Tết, được người dân nông thôn mua về treo trên tường, hết năm lại thay tranh mới như nét đẹp ngày xuân. Trong thơ Tú Xương có câu “Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loẹt lòe trên vách bức tranh gà”. Ngày nay lệ mua tranh ngày Tết đã mai một, làng tranh Đông Hồ cũng thay đổi nhiều. Tuy vậy, tranh Đông Hồ vẫn đóng vai trò như một di sản, một dòng tranh dân gian đặc sắc trong kho tàng văn hóa Việt Nam.


Nghề làm tranh Đông Hồ

Quá trình sản xuất tranh có nhiều khâu, song có thể chia thành 3 công đoạn chính là: tạo mẫu, khắc ván, và in tranh.

Tạo mẫu tranh: là khâu quan trọng và được đúc kết qua nhiều thế hệ ở làng tranh Đông Hồ, tạo nên nét đặc trưng rất riêng. Trước tiên phải lựa chọn đề tài, ý nghĩa, bố cục, màu sắc. Sau đó, các nghệ nhân sử dụng bút lông và mực Nho vẽ tranh Đông Hồ lên giấy bản mỏng và phẳng để người thợ khắc, đục ván theo mẫu.

Khắc ván: tranh mẫu có bao nhiêu màu thì cần bấy nhiêu bản khắc. Ván thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực, bởi có thớ đa chiều, vừa mềm, dễ khắc lại vừa dai, do đó khi khắc ván, nghệ nhân sẽ tạo được các nét gọn, mảnh, nhỏ, tinh xảo. Dụng cụ khắc là bộ ve gồm 30 - 40 mũi đục bằng thép cứng.

Khâu in tranh: nghệ nhân làng tranh Đông Hồ nhúng thét (chổi làm bằng lá thông) vào chậu màu, rồi quét đều trên mặt bìa. Dập ván in xuống mặt bìa, để màu thấm đều trên mặt ván. Sau đó ấn mạnh ván in lên giấy dó. Gỡ tranh ra khỏi ván in, rồi mang phơi. Tranh khô mới tiếp tục in các màu khác lên. Bản nét đen được in cuối cùng.

- Giấy in tranh Đông Hồ là loại giấy dó truyền thống, có quét điệp là vỏ con sò, điệp biển được nghiền nát, cho màu trắng óng ánh. Các màu khác đều có nguồn gốc tự nhiên, như màu đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)... tạo ra mỹ cảm dung dị và độc đáo.


Làng tranh Đông Hồ xưa và nay

Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái, phát triển rất thịnh qua nhiều thế kỷ, với 17 dòng họ quy tụ và đều theo nghề làm tranh. Dân làng vẫn lưu truyền mấy câu ca rằng:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh

Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều...

Sau những năm 40 của thế kỷ trước, nghề làm tranh bắt đầu đi xuống, bởi nhu cầu tiêu thụ không còn nhiều như trước. Đến năm 1967, làng tranh Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh phần nào được khôi phục qua việc tập hợp những nghệ nhân và thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh. Nhờ đó mà những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng như “Đám cưới chuột”, “Gà trống”, “Đánh ghen”, “Vịnh hoa quý”... được hồi sinh, nhiều sản phẩm còn có mặt ở Nhật, Pháp, Đức, Singapore, Mỹ...

Nhưng tới năm 1990, tình hình thị trường lại thay đổi theo chiều hướng xấu, hợp tác xã tranh Đông Hồ giải thể, nhiều gia đình đã bỏ nghề, một số chuyển sang nghề làm hàng mã... chỉ còn vài gia đình nghệ nhân làng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống. Tháng 3 năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và đưa vào danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp. Tuy không còn hưng thịnh như xưa, nhưng giá trị tranh Đông Hồ vẫn có sức hút rất đặc biệt.

Thăm làng tranh Đông Hồ ngày nay, du khách có thể tham quan cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam cùng con cháu. Đây là hai gia đình kỳ cựu nhất ở làng tranh, họ vẫn giữ được nghề cổ truyền cùng hàng trăm bản khắc cổ quý giá, trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn của du lịch Bắc Ninh. Trong các gian nhà xây theo kiến trúc xưa, được treo đầy tranh dân gian với nhiều thể loại khác nhau, từ sinh hoạt đời thường tới tranh lịch sử, phong cảnh... ngập tràn màu sắc tươi trong. Tại đây, du khách còn được nghe giới thiệu về những giá trị văn hóa đặc sắc của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, và có thể trải nghiệm tự tay in tranh, cũng như mua sắm những bức tranh ưng ý.
Làng tranh Đông Hồ - xem nghệ nhân tỉ mẫn làm tranh
Làng tranh Đông Hồ - xem nghệ nhân tỉ mẫn làm tranh
Làng tranh Đông Hồ giữ nguyên cách thức xưa
Làng tranh Đông Hồ giữ nguyên cách thức xưa
Làng tranh Đông Hồ - nghệ nhân đón khách du lịch
Làng tranh Đông Hồ - nghệ nhân đón khách du lịch
Làng tranh Đông Hồ - bộ sưu tập các bản khắc
Làng tranh Đông Hồ - bộ sưu tập các bản khắc
Làng tranh Đông Hồ - khách xem và chọn mua tranh
Làng tranh Đông Hồ - khách xem và chọn mua tranh
Làng tranh Đông Hồ - cổng vào tham quan
Làng tranh Đông Hồ - cổng vào tham quan

Mục lục

Du lịch Bắc Ninh
          - Làng tranh Đông Hồ
          - Đền Bà Chúa Kho
          - Chùa Bút Tháp
          - Chùa Dâu