Địa điểm du lịch

Du lịch Hải Dương nâng cao tính chuyên nghiệp

27/10/2016 - 858 view
Du lịch Hải Dương nâng cao tính chuyên nghiệp

Du lịch Hải Dương hướng tới nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, đây là một yêu cầu tất yếu để mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất từ du lịch. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch: “Có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao”.

Du khách đến với Hải Dương

Đến với các điểm du lịch Hải Dương, khách có thể trải nghiệm nhiều loại hình du lịch khác nhau: Du lịch văn hóa với 148 di tích lịch sử xếp hạng quốc gia. Tiêu biểu là các di tích gắn liền với các danh nhân văn hóa của đất nước được tọa lạc trong khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ như khu di tích đặc biệt quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc; khu di tích Phượng Hoàng - nơi có đền thờ Nhà giáo Chu Văn An và đền thờ nữ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ; khu di tích An Phụ - Kính Chủ và quần thể hang động, di chỉ khảo cổ học Nhẫm Dương. Du lịch sinh thái với chốn đồng quê dung dị, mộc mạc của miệt vườn vải thiều Thanh Hà và dòng sông Hương hiền hòa thơ mộng; hoặc thả mình vào khung cảnh mang đậm vẻ đẹp hoang sơ với những cánh cò trắng muốt trao lượn kín mặt hồ trong chiều hoàng hôn của Đảo Cò Chi Lăng Nam. Du lịch làng nghề với các nghề thủ công nổi tiếng trong và ngoài nước: gốm Chu Đậu, thêu Hưng Đạo, giày da Hoàng Diệu, chạm khắc gỗ Đông Giao. Các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống; nghệ thuật ca trù, múa rối nước, hát chèo, hát chầu văn, hát trống quân góp phần làm nên “phần hồn” của sản phẩm du lịch Hải Dương. Các món ẩm thực Hải Dương cũng đã làm nao lòng biết bao thực khách và nổi tiếng trong nước và thế giới: Năm 2012 vải thiều Thanh Hà được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam; Năm 2013, bánh đậu xanh Hải Dương được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận vào TOP 8 đặc sản quà tặng Châu Á - thế giới; Bún cá rô đồng Hải Dương được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam; Năm 2015, rươi Tứ Kỳ được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.

Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty du lịch Hải Dương nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Nhờ vậy, trong những năm gần đây ngành du lịch tỉnh đã có bước chuyển biến quan trọng và tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2015, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế và tình hình biển Đông, Hải Dương vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá đối với các chỉ tiêu cơ bản: Khách du lịch lưu trú tăng từ 571.870 lượt năm 2010 lên 1.125.000 lượt vào năm 2015, tăng trưởng trung bình 14,5%. Khách không lưu trú tăng từ 1.633.130 lượt năm 2010 lên 2.000.000 lượt vào năm 2015 tăng trưởng trung bình 4,1%/năm. Doanh thu du lịch tăng từ 727,9 tỷ đồng năm 2010 lên 1.350 tỷ đồng năm 2015, tăng trưởng trung bình 13,1%. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hoạt động du lịch ở Hải Dương còn gặp phải một số vấn đề cần được khắc phục như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa đồng bộ; sản phẩm du lịch chưa tạo ra bước đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao; công tác xúc tiến du lịch chưa hiệu quả; tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá ở các lễ hội còn tiếp diễn...

Du lịch Hải Dương phấn đấu đến năm 2020, thu hút 1.650.000 lượt khách lưu trú; 3.000.000 lượt khách không lưu trú; thu từ các hoạt động du lịch 2.175 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đặt ra, cần thúc đẩy chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp du lịch và từng người dân.

Nâng cao tính chuyên nghiệp

Quyết tâm nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các điểm, khu du lịch Hải Dương được thể hiện trong giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Một hệ thống giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện các cơ chế chính sách đến đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng sản phẩm; nâng cao chất lượng nhân lực; tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động du lịch... Trong đó, một số giải pháp trọng tâm đang dần cụ thể thành hành động như: Hải Dương đang cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng không tiến hành dàn trải mà đi vào trọng tâm, một số dự án trọng điểm trên bản đồ du lịch Hải Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt như 2 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái sông Hương (Thanh Hà) và Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện); dự án thực hiện công trình đầu tư trọng điểm phát triển khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng tại Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh) đang được ưu tiên thu hút đầu tư. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí và trung tâm mua sắm tại các khu du lịch đang nhận được sự quan tâm của một số chủ đầu tư có tiềm lực lớn, trong đó có những dự án lớn đã được phê duyệt như dự án Côn Sơn resort của Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn...

Việc xây dựng sản phẩm, tuyến, tour du lịch Hải Dương được tiến hành bài bản theo kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài “Xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020” với 4 mô hình sản phẩm chính: sản phẩm du lịch văn hóa - nghỉ dưỡng ở Côn Sơn - Kiếp Bạc; sản phẩm du lịch sinh thái ở sông Hương - Thanh Hà; sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng ở Đảo Cò Chi Lăng Nam và sản phẩm du lịch làng nghề ở các làng thêu Hưng Đạo, chạm khắc gỗ Đông Giao, giày da Hoàng Diệu. Mỗi sản phẩm du lịch được nghiên cứu xây dựng luôn gắn với những thị trường khách mục tiêu để đảm bảo sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và có sức hấp dẫn cao.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Hải Dương hướng đến 2 mục tiêu cơ bản là giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thái độ giao tiếp ứng xử với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức và việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng kinh doanh, giao tiếp du lịch cho lao động du lịch trực tiếp và cộng đồng người dân tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch nhằm thúc đẩy tính chuyên nghiệp đến từng người dân.

Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được đổi mới cả về nội dung và hình thức. UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình xúc tiến du lịch Hải Dương cho cả giai đoạn 2016 - 2020. Theo chương trình này, ngoài các hình thức xúc tiến, quảng bá truyền thống, Hải Dương đang đẩy mạnh phát triển marketing điện tử; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các điểm du lịch; nghiên cứu tổ chức sự kiện du lịch để thu hút khách đến Hải Dương và đặc biệt chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch.

Với đà phát triển du lịch tích cực như hiện nay cộng với quyết tâm nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, tin rằng ngành du lịch Hải Dương sẽ đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn mới.

TTXT du lịch Hải Dương

Mục lục

Du lịch Hải Dương
          - Đảo cò Chi Lăng Nam
          - Côn Sơn Kiếp Bạc
          - Đền Chu Văn An
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang