Địa điểm du lịch

Du lịch An Giang

Du lịch An Giang

An Giang là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có 2 thành phố trực thuộc là Long Xuyên và Châu Đốc. Thành phố Long Xuyên nằm bên bờ sông Hậu, có truyền thống văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ với chợ nổi trên sông và nhiều di tích thắng cảnh khác. Còn Châu Đốc là thành phố biên giới, nổi tiếng với cụm di tích và thắng cảnh núi Sam.

- Điểm khác với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, là bên cạnh vùng đồng bằng phù sa, An Giang còn có một miền núi nhỏ, trải dài khoảng 30km, rộng 13km. Đó là dãy Bảy Núi (Thất Sơn) ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. Ngoài ra, phía tây bắc An Giang giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100km.

An Giang được nhiều du khách biết đến với các lễ hội đặc sắc như lễ hội miếu Bà Chúa Xứ, Chôl Chnăm Thmây, Dolta và hội đua bò... cùng các danh lam thắng cảnh như rừng tràm Trà Sư, núi Sam, Núi Cấm, đồi Tức Dụp, Búng Bình Thiên (còn gọi là Hồ nước trời)... và nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật khác. Vùng đất An Giang còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như lụa Tân Châu, mộc Chợ Thủ... đặc biệt là nghề dệt vải thủ công lâu đời của đồng bào Chăm và nghề nuôi cá bè đặc trưng của vùng sông nước.


Địa điểm du lịch An Giang có gì

Rừng tràm Trà Sư Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư mang vẻ đẹp độc đáo và là khu rừng đặc trưng của loại rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Nam Bộ. Với diện tích 845ha, rừng tràm Trà Sư là nơi tập trung sinh sống của khoảng 140 loài thực vật xác định, 11 loài thú và 23 loài cá, trong đó có nhiều loài quý hiếm và có giá trị khoa học như: cò Ấn Độ, cò lạo, điêng điểng, cá còm, cá trê trắng... trở thành điểm khám phá hấp dẫn trong cẩm nang du lịch An Giang.
Khu du lịch Núi Sam Khu du lịch Núi Sam

Theo truyền thuyết dân gian, Núi Sam linh hiển nên nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên ở đây gần 2 thế kỷ. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trong đó nổi tiếng nhất là miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Phước Điền (còn gọi chùa Hang) đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Hàng năm, du khách từ khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông. Đây là chốn tâm linh nổi bật trong các điểm du lịch An Giang, Châu Đốc ...
Khu du lịch Núi Cấm Khu du lịch Núi Cấm

Khu du lịch Núi Cấm được xem là trọng điểm của tỉnh, thu hút nhiều du khách thập phương tìm đến. Hiện nay, trên Núi Cấm có nhiều danh lam thắng cảnh tiêu biểu như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm... Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống cáp treo Núi Cấm hiện đại, và khu du lịch Lâm Viên với cảnh quan thiết kế đẹp mắt cùng nhiều tiện ích phục vụ khách du lịch...
Khu du lịch Núi Sập Khu du lịch Núi Sập

Điểm tham quan có tiếng khác trong các tour du lịch An Giang là Khu du lịch Núi Sập - tên gọi chung cho Khu du lịch hồ Ông Thoại và Đền thờ Thoại Ngọc Hầu nằm dưới chân núi Sập, thuộc thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đến đây, bạn có thể tham quan các công trình mang dấu ấn của một thời mở cõi, hay thong thả đạp vịt, bơi xuồng trên mặt hồ tĩnh lặng, len lỏi qua các đường hầm trong lòng núi để đi từ hồ này sang hồ khác, thỏa thích ngắm nhìn trời mây non nước hữu tình...

Du lịch An Giang ăn gì ?

Du lịch bụi An Giang cũng là dịp để bạn thưởng thức đặc sản An Giang với các món ngon có tiếng như: mắm thái, xôi xiêm Châu Đốc... gỏi gà trộn lá trúc, thịt heo rừng nấu mướp, bọ rầy, bò cạp vùng Bảy Núi... bắp bò hấp xả Tịnh Biên, cháo bò Tri Tôn, bún cá Long Xuyên... khô cá sặc rằn Khánh An, khô rắn An Phú, xôi phồng Chợ Mới, bánh phồng Phú Tân, bánh canh Vĩnh Trung... khô bò, bò tái me, rau ngổ um lươn, gỏi bưởi cá lóc... và trái thốt nốt với đủ món từ cùi, nước, rượu, đường, bánh, chè…


Du lịch An Giang mùa nào đẹp ?

Theo kinh nghiệm du lịch An Giang tự túc, khí hậu nơi đây chia 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 - tháng 4 năm sau. Nóng nhiều vào tháng 4 - 5, mát mẻ vào tháng 12 và tháng 1 năm sau.

Thời điểm lý tưởng và đẹp nhất là du lịch An Giang mùa nước nổi (khoảng tháng 9 dương lịch đến đầu mùa khô tháng 12) bởi khắp nơi cỏ cây xanh mướt một màu, và dồi dào sản vật địa phương. Ngoài ra, hàng năm:

- Ngày 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch, diễn ra lễ hội Chôl Chnăm Thmây là Tết lớn nhất của người Khmer Nam Bộ.
- Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức tại miếu Bà Chúa Xứ từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch.
- Tết Dolta của người Khmer ở vùng Bảy Núi, cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch sẽ diễn ra hội đua bò sôi động.

Mục lục

Du lịch An Giang
          - Rừng tràm Trà Sư
          - Khu du lịch Núi Sam
          - Khu du lịch Núi Cấm
          - Khu du lịch Núi Sập
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang