Địa điểm du lịch Kênh gym

Ký sự Vườn quốc gia U Minh Hạ hồi sinh mạnh mẽ

27/03/2016 - 3369 view
Ký sự Vườn quốc gia U Minh Hạ hồi sinh mạnh mẽ

Kỳ lạ, ở giữa ruột rừng tràm U Minh Hạ lại có những bãi đất trống rộng mênh mông, không thua gì một cái sân phơi lúa. Nó không có một ngọn cỏ nào tồn tại. Trơ mặt, trắng hếu giữa trời. Anh Nguyễn Tấn Truyền, Trưởng Phòng Kỹ thuật Vườn Quốc gia U Minh Hạ, lý giải: “Do lũ nai rừng làm ra đó. Bây giờ, rừng kiệt nước, nai buộc phải ra bờ kinh tìm nước uống. Chúng quần không còn một cọng cỏ như thế đó. Tôi đã tìm thấy khoảng 6 cái sân lớn như thế này”.

Chí ít phải hơn 700 con nai

Quả nhiên, tại các bờ kinh gần các “sân nai”, dấu chân nai chi chít như dấu heo nuôi thả lan của dân Cà Mau xưa kia. Nó nhiều đến không thể nào đếm được. Anh Truyền giới thiệu tiếp: “Chưa có điều kiện để đo đếm hết đàn nai. Nhưng khảo sát sơ bộ của tôi, chí ít cũng có trên 700 con nai”. Nó chỉ đứng sau loài rái cá. “Rái cá bây giờ rất nhiều, đe dọa nguồn cá của vườn chúng tôi”, anh Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ nói.

Đâu chỉ vậy, gần đây, anh Truyền và các cộng sự của mình liên tục phát hiện những loài chim thú quý hiếm khác. Tháng trước, anh đã phát hiện 1 con diều cá, 2 con chim sen, 1 cá thể gà đải Zava... Và anh khẳng định rằng, số liệu về tính đa dạng sinh học Vườn Quốc gia U Minh Hạ thống kê trước đây giờ đã thành thiếu, bởi chim, thú trên thực tế đã đa dạng, phong phú hơn nhiều”, anh Truyền tự tin nói.

Đưa chúng tôi vào sâu hơn, trong những cánh rừng già giữa Vườn Quốc gia U Minh Hạ, anh Truyền giới thiệu với chúng tôi những dấu vết. Theo đo đếm và tính toán của anh, từ những dấu chân trên đất, rừng U Minh Hạ đã có những con nai già, tầm 180 kg. “À! Còn có con heo rừng tầm 200 kg, 3 chân”, anh Truyền nói. “Sao anh biết chắc vậy?”, anh Truyền cười, lý giải: “Có chi mà khó. Trong 4 cái dấu nó đi có một dấu tròn vo, giống như cái cùi chỏ của mình ấn xuống đất. Vậy là 3 chân rồi. Còn cân nặng thì dễ biết thôi, dân nghiên cứu về thú ai cũng đo đếm được, cũng từ những dấu chân”.

Và thỉnh thoảng, chúng tôi thót cả tim trước 1 con chim sen từ trong bụi rậm vụt bay lên. Sãi cánh của nó dài cả thước như những con đại bàng, tạo cảm giác rợn người như đang xem phim giả tưởng về chim, thú ở kỷ Jura.

Đồng tâm tạo lại mái nhà xưa

Trên đường về, chúng tôi gặp Huỳnh Kiệt Anh Tuấn, một kỹ sư lâm sinh còn rất trẻ, công tác cùng phòng với anh Truyền. Tuấn khoe ngay với anh Truyền rằng vừa theo dấu được cặp gà đải Zava, đã chấm được tọa độ nghi là chúng đang làm tổ. Mắt anh Truyền sáng lên mừng rỡ, dặn dò: “Ghi chép vào sổ cẩn thận chưa?”. Tuấn gật đầu: “Xong rồi sếp, không bao giờ sếp quên dặn dò câu đó, nên tôi cũng quá quen cái việc ghi chép”.

Khi Tuấn đi khuất, anh Truyền giới thiệu với chúng tôi về người kỹ sư trẻ này. Tuấn mới ra trường, về Vườn quốc gia U Minh Hạ được hơn 1 năm, nhưng sớm thể hiện có một tình yêu với công việc nghiên cứu, phát triển đa dạng sinh học ở vườn. Anh Truyền rất quý Tuấn vì phát hiện cậu ta còn yêu thiên nhiên hoang dã sớm hơn mình. Anh vui mừng lắm vì ngày càng có đông đảo những “chiến sĩ” cùng chí hướng bảo vệ đàn thú hoang dã của rừng U Minh Hạ.

Từ gần 30 năm qua, khu vực rừng tràm Vồ Dơi, vùng lõi của Vườn Quốc gia U Minh Hạ không bị cháy. Đó là điều kiện quyết định sự tồn tại một hệ sinh thái đa dạng của rừng U Minh Hạ hôm nay. Tuy nhiên, nếu không có những con người tâm huyết bảo vệ chúng thì sẽ không có hệ động thực vật đa dạng, phong phú như ngày nay. Những con người ấy xuất hiện ngày một đông hơn, quyết liệt bảo vệ cánh rừng, bảo vệ đàn thú.

Năm ngoái, một người đi trực lửa rừng U Minh Hạ phát hiện một con tê tê (con trúc). Anh này ôm nó vào giao cho phòng của anh Truyền xử lý. Con thú quý hiếm đó được khám bệnh và sau đó được thả về rừng. Anh Truyền vui vẻ kể: “Thời trước, tôi muốn nói là 5 năm trở về trước, không có chuyện đó đâu. Hầu hết có ai bắt được nó là ém để đi bán. Nhưng bây giờ thì không ai dám làm vậy cả. Tôi không biết là anh em thực sự ý thức bảo vệ thú rừng hay sợ bị pháp luật trừng trị. Nhưng đó tín hiệu quá tốt ở Vườn quốc gia U Minh Hạ hiện nay”. Anh Truyền cũng kể thêm, trong 3 năm qua, kể từ khi ban giám đốc được cải tổ, tức thay đổi toàn diện, nhiều chuyện vui đã xảy ra.

Khi thì anh em chạy về báo vừa thấy 1 con rắn hổ mây to lắm, kêu anh Truyền phải vô rừng ngay mà chụp ảnh lại. Khi anh em mang về 1 con bướm lạ, 1 nhánh cây rừng chưa từng thấy để phòng kỹ thuật nghiên cứu. Rồi con khỉ, con nai non... được anh em mang về cứu chữa khi thấy chúng có dấu hiệu bị thương hay bệnh.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước khi đạt được một trật tự quy củ đáng mừng như hôm nay, nhiều lãnh đạo Vườn quốc gia U Minh Hạ phải trả giá bằng tù tội, bằng mất việc. 5 năm trước, một số lãnh đạo của vườn bị khởi tố vì liên quan đến tư lợi trái phép từ thú rừng và nguồn thủy sản bảo tồn. Khi anh Huỳnh Minh Nguyên về làm giám đốc, kỷ cương đã được tái lập. Bây giờ, không chỉ là nhân viên vườn, mà cả toàn thể người dân ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ đều hiểu rõ và tin rằng, săn bắt 1 con thú trái phép thì bất kể vị trí công tác, thân thế to, nhỏ đều bị ông Giám đốc Nguyên lôi ra pháp luật.

“Biện pháp cứng, mềm đều có. Bầy thú trong rừng U Minh Hạ bây giờ rất an tâm, như ở trong nhà mình. Bởi vậy mới có những loài như rái cá, khỉ phát triển quá đông. Trái cây của chúng tôi bây giờ đâu có thu hoạch được gì, khỉ ăn hết. Cá đồng có dấu hiệu giảm vì bầy ráy cá đông quá, mò tối ngày”, anh Truyền phấn khởi kể.

Ký sự Vườn quốc gia U Minh Hạ hồi sinh mạnh mẽ 2

Ký sự Vườn quốc gia U Minh Hạ hồi sinh mạnh mẽ 3

Ký sự Vườn quốc gia U Minh Hạ hồi sinh mạnh mẽ 4


TTXT du lịch Cà Mau

Mục lục

Du lịch Cà Mau
          - Mũi Cà Mau
          - Đảo Hòn Khoai
          - Vườn quốc gia U Minh Hạ
          - Hòn Đá Bạc