Địa điểm du lịch

Thăm bản làng ở Vườn quốc gia Cát Tiên

Thăm bản làng ở Vườn quốc gia Cát Tiên

Vườn quốc gia Cát Tiên vốn gắn bó với cuộc sống của cư dân bản địa, đặc biệt là người Mạ và Stiêng cư trú lâu đời ở khu vực Tà Lài. Đến đây, bạn sẽ có dịp tham quan, tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của 2 cộng đồng dân tộc này.


Người dân tộc Mạ

Người Mạ còn được gọi là Châu Mạ, với các nhóm địa phương: Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngăn. Tiếng Mạ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer. Người Mạ sống thành từng bon (làng), mỗi bon có từ 5 đến 10 nhà sàn dài (nơi ở của các thế hệ có chung huyết thống). Đứng đầu bon là quăng bon (ông già trưởng làng).

Người Mạ làm nương rẫy, trồng lúa, ngô, bầu, bí, thuốc lá, bông... với công cụ thô sơ như dao xà gạc, cuốc xà bách, rìu, gậy chọc lỗ... Ở vùng lưu vực sông Đồng Nai (huyện Cát Tiên), họ làm ruộng nước bằng kỹ thuật lùa cả đàn trâu xuống ruộng để giẫm đất, đến khi sục bùn thì gieo lúa giống (xạ lúa). Người Mạ nuôi trâu, bò theo cách thả rông, lùa vào rừng sống thành đàn, chỉ khi cần thịt hoặc giẫm ruộng mới tìm bắt về.

Phụ nữ Mạ nổi tiếng về nghề dệt vải với những hoa văn đẹp mắt và nhiều màu sắc, hình hoa lá, chim muông. Đàn ông Mạ giỏi nghề rèn sắt, họ tự luyện quặng lấy sắt để rèn các công cụ sản xuất và vũ khí như dao xà gạc lưỡi cong, lao... Ở vùng ven sông Đồng Nai, người Mạ làm thuyền độc mộc để đi lại, vận chuyển và đánh cá trên sông.

Phụ nữ Mạ mặc váy quấn, dài quá bắp chân, nam giới đóng khố. Mùa làm nông, nhiều người ở trần, mùa rét thì choàng tấm vải. Có tục “cà răng, căng tai”, đeo nhiều vòng trang sức. Nhà trai chủ động trong hôn nhân, nhưng sau lễ cưới chú rễ phải sang ở nhà vợ, đến khi nộp đủ đồ sính lễ cho nhà gái mới được đưa vợ về ở hẳn nhà mình.

Người Mạ tin có rất nhiều thần: Yang (trời) là thần tối cao, ngoài ra có thần sông, thần núi, thần lửa... Họ thường tổ chức lễ đâm trâu vào dịp tết cổ truyền (sau tết Nguyên đán khoảng 1 tháng) và kéo dài tới 1-2 tháng. Kho tàng văn học dân gian của người Mạ có nhiều chuyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại độc đáo. Nhạc cụ có bộ chiêng, cồng, trống, khèn bầu, tù và, đàn ống tre lồ ô, sáo 3 lỗ gắn vào vỏ quả bầu khô...


Người dân tộc Stiêng

Người Stiêng còn được gọi là Xađiêng, phân biệt hai nhóm Bù Đéc và Bù Lơ. Nhóm Bù Đéc ở vùng thấp, biết làm ruộng nước và dùng trâu, bò kéo cày từ khá lâu. Nhóm Bù Lơ ở vùng cao, chủ yếu làm rẫy, sống gần gũi với người Mnông và người Mạ. Tiếng Stiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer.

Người Stiêng vùng cao ở nhà trệt, vùng thấp ở nhà sàn. Họ Điểu là họ phổ biến trong cộng đồng. Làng Stiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một ông già am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và thường là người giàu có ở làng, thể hiện qua tài sản như: trâu, bò, chiêng, cồng, ché, vòng trang sức... Người Stiêng tính tuổi theo mùa nương, rẫy. Thông thường con trai từ tuổi 19 - 20, con gái từ tuổi 15 - 17 bắt đầu tìm bạn đời. Sau lễ cưới, cô dâu về nhà chồng hoặc chú rể về ở đằng vợ.

Trang phục người Stiêng đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố, mùa đông thì choàng một tấm vải chống rét. Người Stiêng để tóc dài búi sau gáy, dái tai xâu lỗ để đeo hoa tai bằng gỗ, và xăm mặt, xăm mình với những hoa văn giản đơn. Mọi người nam, nữ, già, trẻ đều thích đeo các loại vòng. Trẻ nhỏ đeo lục lạc ở hai cổ chân.

Người Stiêng quan niệm “vạn vật hữu linh”, tin vào sức mạnh của sấm, sét, trời, đất, trăng, mặt trời. Tính chất thiêng liêng và quyền uy của thần được quy ước bằng vật hiến sinh màu trắng: gà trắng, lợn trắng, trâu trắng. Nhạc cụ của người Stiêng thường thấy nhất là bộ chiêng 6 cái, bộ cồng 5 cái. Chiêng không được gõ ở ngoài nhà, trừ ngày lễ đâm trâu. Chiêng dùng trong hội lễ, cả trong bộc lộ tình cảm, hòa giải xích mích giữa các gia đình. Ngoài chiêng, cồng còn có khèn bầu, sáo... cũng được ưa thích.


Tour thăm Tà Lài

Tại đây, bạn có thể đến tham quan Nhà văn hóa các dân tộc Tà Lài, nơi lưu giữ những di vật có từ ngàn xưa của dân tộc Mạ và Stiêng. Sau đó, ghé thăm ngôi Nhà Dài tọa lạc trên một ngọn đồi, và dạo quanh buôn làng để giao lưu cũng như tìm hiểu thêm về đời sống sinh hoạt, canh tác nông nghiệp của người dân nơi đây.

- Nếu đi ôtô từ trụ sở Vườn quốc gia Cát Tiên, du khách sẽ được đi qua những cánh rừng trồng, và những bãi cỏ nối tiếp nhau, nơi mà về đêm các loài thú ăn cỏ thường xuất hiện. Nếu đi canô dọc sông Đồng Nai, du khách sẽ nhìn thấy cảnh đẹp 2 bên sông và những sinh hoạt thường nhật của người dân sinh sống ven bờ.

* Chi phí tham quan:

- Thuê xe ôtô: 860.000đ/ xe 7 chỗ, hoặc 1.720.000đ/ xe 35 chỗ

- Thuê canô: 1.720.000đ/ canô 7 chỗ, hoặc 2.290.000đ/ canô 10 chỗ

- Thuê hướng dẫn viên: 150.000đ.
Vườn quốc gia Cát Tiên - nhà dài ở Tà Lài
Vườn quốc gia Cát Tiên - nhà dài ở Tà Lài
Vườn quốc gia Cát Tiên - người Stiêng ở Tà Lài
Vườn quốc gia Cát Tiên - người Stiêng ở Tà Lài

Mục lục

Du lịch Đồng Nai
          - Vườn quốc gia Cát Tiên
          - Khu du lịch Suối Tre
          - Khu du lịch Bửu Long
          - Chùa Bửu Phong
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang