Địa điểm du lịch

Chùa Bửu Phong - Đồng Nai

Chùa Bửu Phong (Đồng Nai)

Chùa cổ Bửu Phong có tuổi đời gần 400 năm, là một trong ba ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở vùng đất Đồng Nai, và hoàn toàn theo kiến trúc của người Việt. Ngôi chùa tọa lạc ngay trên núi Bửu Phong, thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa.

Cảnh quan xung quanh chùa Bửu Phong đẹp tự nhiên, kết hợp một cách hài hòa với địa thế phong thủy “trên có núi Bửu Phong, dưới có sông Đồng Nai uốn khúc” đã từng được nhiều danh tăng và nhân sĩ Nho học ghi lại trong thơ và câu đối khắc tại chùa. Điển hình như câu đối trước cổng lớn: “Bửu thạch long đầu, cổ cảnh linh qui tại - Phong sơn hổ cứ, vạn đại chiếu phùng tồn” tạm dịch là “Đá quý rồng chầu, cảnh xưa rùa linh thường hiển hiện - Đỉnh non cọp ngự, muôn đời phượng múa hãy còn đây”.

Điểm nổi bật của chùa Bửu Phong tỉnh Đồng Nai là ở kiến trúc đặc sắc. Chùa được xây dựng theo hình chữ Tam, giống kiến trúc các chùa thời nhà Trần. Chùa gồm có: chính điện, giảng đường và hậu tổ tiếp nối liền nhau. Kết cấu chùa bằng gạch thẻ kết hợp vôi trắng, mái lợp ngói âm dương.

- Mặt tiền chùa Bửu Phong được trang trí rất công phu qua các bức phù điêu, ghép từ các mảnh sành sứ, mang tính nghệ thuật cao theo phong cách triều Nguyễn. Những đề tài điêu khắc, đắp vẽ trong chùa là Cuốn thư, lân ngậm trái châu, rồng chầu mặt trời, tượng ông Nhật bà Nguyệt, nhóm tứ linh, tứ quý, chữ vạn, dây lá cách điệu... thể hiện cho ước mơ về quyền uy, sức mạnh, sự an nhàn thịnh vượng. Đặc biệt, ở hai cột chính giữa mặt tiền chùa Bửu Phong có cặp câu đối nói lên ý nghĩa tên chùa: “Bửu nhạc dịu dàng như Tứu Lĩnh - Phong sơn đẹp đẽ tựa Kỳ Viên”. Tất cả tạo cho mặt tiền chùa vẻ rực rỡ trang nghiêm, vừa uy nghi cổ kính.

- Bên trong chùa Bửu Phong hiện còn một số cổ vật có giá trị như: bức tượng Phật A Di Đà làm bằng gỗ mít đặt tại khu chính điện; toàn bộ cột gỗ lớn là gỗ căm xe có từ những ngày đầu dựng chùa; một đầu phướng cổ được chạm trổ tinh vi hình 6 con rồng miệng ngậm trái châu; một cặp mai vàng bằng gỗ sơn son thếp vàng từ thời Chúa Nguyễn và một số cột đá trước tiền sảnh khắc liễn, chạm trổ rồng, phượng; một số câu đối, hoành phi miêu tả về vị trí linh thiêng của chùa...

Căn cứ vào hàng chữ Hán khắc trên liễn gỗ ở cột gian giữa giảng đường thì chùa Bửu Phong được xây dựng từ năm 1616 và đại trùng tu vào năm Minh Mạng thứ IX (1829). Từ đó, ngôi cổ tự tiếp tục được trùng tu nhiều lần vào các năm 1760, 1829, 1898, 1964... Và từ năm 1972 đến nay, chùa Bửu Phong được xây dựng thêm nơi thờ Xá lợi Đức Phật, tu bổ tượng Phật A Di Đà, tam thế Phật đài, giảng đường, hậu tổ, nhà tăng...

Ngày nay, chùa Bửu Phong ở Đồng Nai không chỉ là nơi chiêm bái tâm linh, mà còn góp phần lưu giữ nét đặc sắc về kiến trúc đình chùa trong văn hóa dân tộc. Năm 1994, chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đến năm 2013, chùa Bửu Phong tiếp tục được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa - danh thắng quốc gia.
Chùa Bửu Phong - lối lên tạc hình rồng hai bên
Chùa Bửu Phong - lối lên tạc hình rồng hai bên
Chùa Bửu Phong - hàng tượng Phật bằng đá trắng
Chùa Bửu Phong - hàng tượng Phật bằng đá trắng
Chùa Bửu Phong có kiến trúc độc đáo
Chùa Bửu Phong có kiến trúc độc đáo

Mục lục

Du lịch Đồng Nai
          - Vườn quốc gia Cát Tiên
          - Khu du lịch Suối Tre
          - Khu du lịch Bửu Long
          - Chùa Bửu Phong
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang