Địa điểm du lịch Kênh gym

Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ

Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ từ lâu đã rất nổi tiếng trong cả nước, giá cao lại rất ổn định và là nguồn lợi tự nhiên mang lại thu nhập tốt cho người dân sống dựa vào nghề này, do mật ong rừng tràm luôn cho chất lượng tốt hơn các loại cây khác. Những sản phẩm từ tổ ong mật không gì là không sử dụng được, đến cả sáp ong (tàn ong sau khi đã vắt lấy hết mật) cũng được bán để sản xuất đèn cầy.


Gác kèo ong (dụ ong đến làm tổ)

- Rừng U Minh Hạ có rất nhiều ong, thế nhưng, để khai thác thì người ta không chỉ lấy ong lan (ong tự làm tổ) mà phải biết gác kèo để dụ ong đến làm tổ. Để gác kèo cần có 3 cây tràm: cây đầu tiên gọi là cây nóng (cây cặm thẳng đứng làm trụ), cây thứ hai là cây nạng cặm thấp hơn cây nóng, cây còn lại gọi là kèo. Kèo ở đầu có khoét một lỗ gắn vào cây nóng, đầu còn lại thì gác lên nạng. Công đoạn chỉ có vậy, nhưng để dụ được ong xuống thì không hề đơn giản.

- Gác kèo ong là nghề cha truyền con nối, theo kinh nghiệm và mỗi người có bí quyết riêng. Chẳng hạn như khi chọn địa điểm làm trảng (chỗ để gác kèo dụ ong) thì phải chọn nơi tràm có bông nhiều, tốt nhất là cây từ 3 tuổi trở lên. Nguyên nhân là tràm nhỏ tuổi có bông ít và thời gian ra bông cũng ngắn mà ong thì đi theo bông, khi tràm ngắt bông thì đàn ong cũng bỏ đi nơi khác. Ngoài ra, chọn hướng gác cũng hết sức quan trọng, phải bảo đảm đủ ánh sáng…

- Gác kèo xong, công đoạn tiếp theo là… đợi. Khoảng 20 ngày sau, người gác kèo mới trở lại trảng kiểm tra xem ong có xuống kèo hay không, nếu ong đã xuống phải đợi tiếp 20 ngày nữa mới có thể cắt lứa mật đầu tiên. Thông thường, một tổ ong có thể khai thác được 3 lần, cho tổng cộng bình quân trên 10 lít mật.


Chuyến ăn ong (lấy mật) ở rừng U Minh Hạ

- Do ở rừng hoang vắng, điều kiện sinh trưởng tốt nên các tổ ong ở U Minh Hạ thường to tướng, dài cả mét phủ gần như toàn bộ cây kèo, thân của nó thòng xuống đất trên 4 tấc. Dụng cụ cho một chuyến ăn ong chỉ gồm một bó đuốc con cúi làm bằng xơ dừa khô bó chặt lại để un khói, một thau nhựa khá to đựng tàn ong, một cây dao và tấm lưới trùm đầu tránh bị ong đốt.

- Bó đuốc được đốt lên, đàn ong ngạt khói, bỏ tổ bay ra vù vù, đen kịt. Khi đàn ong bay ra gần hết, cũng là lúc tàn ong với khối mật hiện ra vàng ươm trên thân kèo, người ta dùng dao cắt khúc tàn nhiều mật nhất nhưng vẫn để lại một phần trên kèo, dưỡng lại cho lứa sau phát triển. Ví dụ như mùa hạn tổng đàn ong có 100 ổ thì đến mùa nước phải có 120 đến 130 ổ, bởi vì ong lớn tới "đô" là tách đàn ra và "nhảy kèo" sang chỗ khác để làm tổ mới.

- Sau chuyến lấy mật, người gác kèo ong thường thưởng thức ngay một phần chiến lợi phẩm như tự thưởng, vì ăn ngay trong rừng bao giờ cũng ngon hơn khi đem về tới nhà, nguồn gốc cái tên "ăn ong" để chỉ việc đi lấy mật cũng xuất phát từ đó. Ngoài ra, một món đặc sản từ ong rừng đó là tàn ong non lăn bột chiên, nếu đã được ăn một lần thì không thể nào quên.


Nghề gác kèo ong

- Những người thợ gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ không hoạt động riêng lẻ mà thành lập tập đoàn, có quy tắc và luật lệ rõ ràng. Tham gia vào tập đoàn thì ăn ong sẽ thuận lợi hơn, tránh nạn bị trộm cắp và tranh giành địa bàn lẫn nhau. Hiện các tập đoàn "ăn nên làm ra" nhất là Phong Ngạn và tập đoàn 19/5.

- Đến mùa phòng chống cháy rừng thì mỗi người trong tập đoàn đều tự nguyện túc trực trong rừng cùng với nhau để canh lửa. Vì rừng chính là nồi cơm của họ nên nếu để rừng cháy thì bản thân người làm nghề gác kèo ong bị thiệt hại nhiều nhất vì mất nguồn thu trong thời gian dài. Nên họ được xem là những người tích cực nhất trong việc bảo vệ rừng.

- Và không biết tự bao giờ, gác kèo ong đã trở thành một nghề truyền thống được bao thế hệ người dân nơi đây nối tiếp nhau truyền lại. Khi đã chọn gác kèo ong là nghề để mưu sinh thì hầu như người ta gắn bó với nó cả đời không sao bỏ được. Nếu có dịp đến U Minh Hạ vào mùa lấy mật, bạn hãy thử một lần theo người dân vào rừng ăn ong, sẽ phần nào hiểu được vì sao nghề này lại có sức hấp dẫn đến vậy!


* Đốt đuốc cũng là để phòng thân vì khi ong bay ra, chỉ cần thổi cho khói bốc lên, ong bị say khói sẽ không đốt, chứ ai không biết mà sợ quá bỏ chạy thì bầy ong sẽ đuổi theo đánh tới cùng.

- Mật ong rừng tràm U Minh Hạ có 3 loại màu, mật đầu mùa thì hơi vàng vàng, giữa mùa hơi sậm, còn cuối mùa thì hơi đen. Mật thật để không bao giờ phai màu và khi cho vào can đậy nắp lại thì luôn có ga. Mật thật có vị ngọt, sau ngọt thì hơi chua, còn mật giả bao giờ cũng ngọt như đường.

- Mùa gác kèo ăn ong rừng U Minh Hạ thường kéo dài từ tháng 12 đến 6 hàng năm, cao điểm là từ tháng 3 đến cuối mùa, bởi lúc này mật ong đạt chất lượng cao, hương vị thơm ngọt hơn.

Mục lục

Du lịch Cà Mau
          - Mũi Cà Mau
          - Đảo Hòn Khoai
          - Vườn quốc gia U Minh Hạ
          - Hòn Đá Bạc