Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Cần Thơ định vị trung tâm vùng

14/02/2017 - 1938 view
Du lịch Cần Thơ định vị trung tâm vùng

Du lịch Cần Thơ đang trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong những năm gần đây. Đất và người Cần Thơ đã trở thành tiềm năng khai thác du lịch, tạo nên nhiều sản phẩm đa dạng thu hút du khách. Để du lịch từng bước trở thành kinh tế mũi nhọn, thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp để trợ lực cho "ngành công nghiệp không khói" phát triển.

Uy tín, chất lượng

Du lịch thành phố Cần Thơ khép lại năm 2016 với kết quả khả quan khi đón trên 5,3 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015; tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.800 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Những bất cập về nâng giá dịch vụ, chèo kéo khách; hay vấn đề an ninh trật tự, an toàn với du khách thời gian qua đã được quan tâm, giải quyết kịp thời. Những năm trước, tình trạng nâng giá, chèo kéo, gây mất trật tự môi trường du lịch vẫn thường diễn ra vào dịp lễ, Tết. Trong hai năm 2016 và 2017, với định hướng xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và chất lượng, các ngành chức năng chung tay thay đổi diện mạo du lịch Cần Thơ.

Đầu tiên là Bến tàu du lịch Ninh Kiều đã hoạt động ổn định. Mặc dù chưa thể nói là triệt để nề nếp, nhưng tình trạng chèo kéo, nâng giá không còn nổi cộm, gây bất bình cho du khách như những năm trước. Ngày lễ, Tết, tại khu vực bến tàu du lịch luôn có đội liên ngành (Cảng vụ, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ, Cảnh sát đường thủy, Công an địa phương...) trực chiến để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn. Giá các tour, tuyến trên sông đều được niêm yết công khai tại khu vực công viên Bến Ninh Kiều. Nhờ thắt chặt khâu kiểm tra mà dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Cần Thơ trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách với hơn 650.000 lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ, tình hình an ninh trật tự, an toàn được đảm bảo.

Theo đánh giá của nhiều đơn vị lữ hành, Cần Thơ đang trở thành điểm đến thu hút du khách ở ĐBSCL. Đó là nhờ Cần Thơ đang dần phát huy nội lực, chú trọng xây dựng và chăm chút cho sản phẩm nhiều hơn. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đánh giá: "du lịch ở Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến, khẳng định được vai trò đầu mối trung tâm vùng ĐBSCL. Nếu trước kia, Cần Thơ đứng sau Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang về số lượng khách đến, lưu trú (thường khách chỉ du lịch Cần Thơ 1 ngày hoặc du lịch Cần Thơ 2 ngày 1 đêm), thì năm 2016, Cần Thơ đã vươn lên vị trí thứ hai về lượng khách đến lẫn lưu trú, chỉ sau Kiên Giang. Nếu phát huy tốt nội lực, đầu tư đúng hướng, hoạt động du lịch ở Cần Thơ chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai".

Thật vậy. Trước đây, du khách đến Cần Thơ chỉ có lựa chọn khá nghèo nàn: chợ nổi - tham quan nhà cổ - vườn cây trái. Còn nay, du khách có thêm trải nghiệm ở các làng nghề dân gian, du lịch nông nghiệp sạch, du lịch cộng đồng cồn Sơn, trải nghiệm ở các homestay, hay hành trình khám phá làng cổ Long Tuyền. Bên cạnh xây dựng thêm sản phẩm mới, chất lượng, các điểm du lịch tại Cần Thơ cũng được nâng cao thông qua việc khảo sát, đánh giá và xếp hạng công nhận từ các ban, ngành, hội nghề nghiệp chuyên môn. Hiện TP Cần Thơ có 4 Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL (Chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Làng du lịch Mỹ Khánh), 5 Điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố (Đình Bình Thủy, Nhà cổ Bình Thủy, Vườn trái cây Ba Cống, Homestay Út Hiên, Vườn trái cây Vàm Xáng) và 3 cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch (Vincom Plaza Xuân Khánh, Vạn Phát Riverside và Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ). Cơ sở đánh giá này định hướng để du lịch Cần Thơ có được những sản phẩm, dịch vụ chất lượng và ngày càng hoàn thiện.

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã đầu tư nhiều công trình, dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm, dần hình thành nét đặc trưng nổi bật du lịch đô thị sông nước. Cầu đi bộ Cần Thơ đang trở thành điểm tham quan được yêu thích của nhiều du khách. Bên cạnh đó, Cần Thơ đang chuẩn bị đưa xe 4 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện hoặc động cơ xăng để phục vụ du khách trải nghiệm citytour, triển khai thực hiện dịch vụ citipass - thẻ tiêu dùng thông minh dành cho khách du lịch đến Cần Thơ.

Cần sự chung tay

Du lịch Cần Thơ đã có những thay đổi tích cực trong những năm qua, nhưng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra. Để thúc đẩy du lịch phát triển, Thành ủy đã ra Nghị quyết 03-NQ/TU (ngày 01/8/2016), UBND thành phố cũng có kế hoạch số 111/KH-UBND (ngày 19/9/2016) về đẩy mạnh phát triển du lịch, thể hiện sự quan tâm sâu sát và quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từng sở, ngành, các cấp cũng đề ra kế hoạch cụ thể. Ngành du lịch phối hợp tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, sự kiện thu hút du khách, như: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, ngày hội văn hóa - Đêm hoa đăng Ninh Kiều, ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng, ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền, lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy… Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở du lịch Cần Thơ, cho biết: "Trong năm 2017, đơn vị sẽ triển khai 10 chương trình, đề án liên quan đến du lịch: Bảo tồn và phát huy làng cổ Long Tuyền, xây dựng - phát triển sản phẩm du lịch tại Cần Thơ giai đoạn 2017-2020, phát triển nguồn nhân lực, các dự án mời gọi đầu tư du lịch (khu du lịch sinh thái Phong Điền, vườn cò Bằng Lăng, khu du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc, khu du lịch cồn Sơn)...".

Sắp tới, ngành du lịch Cần Thơ sẽ chú trọng thực hiện một số nội dung trọng tâm: xây dựng tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực - dịch vụ đường Đề Thám - Hồ Xáng Thổi; xây dựng hai điểm du lịch tiêu biểu cấp ĐBSCL (cầu đi bộ và quần thể cồn Cái Khế, Đình Bình Thủy); xây dựng đề án Điểm du lịch quốc gia Bến Ninh Kiều (Bến Ninh Kiều - cầu đi bộ - chợ nổi Cái Răng và các cồn dọc sông Hậu), triển khai đề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng; phát triển du lịch cộng đồng ở cồn Sơn, du lịch sinh thái ở Phong Điền, phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa và các lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer...

Ở góc độ địa phương, ông Hồ Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: "Địa phương có tiềm năng về du lịch văn hóa làng nghề, đặc biệt là nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer. Do đó, chúng tôi xây dựng những sản phẩm này làm chủ lực và mong muốn được tư vấn để có thể xây dựng sản phẩm thu hút khách du lịch Cần Thơ". Trong khi đó, bà Phan Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, chia sẻ: "Những năm qua, Bình Thủy không ngừng xây dựng sản phẩm mới trên cơ sở phát huy tiềm lực của địa phương. Ngoài các sản phẩm: du lịch cộng đồng cồn Sơn, Long Tuyền; Bình Thủy còn đang xây dựng tour hành trình di sản, khám phá những địa danh lịch sử văn hóa, gắn với quá trình hình thành đất và người Bình Thủy".

Để trợ lực cho người dân làm du lịch, năm 2017, UBND thành phố cũng đã có gói cho vay 30 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội Cần Thơ. Để công tác xây dựng sản phẩm du lịch đạt hiệu quả, cũng như kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn hoạt động du lịch của các địa phương, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển du lịch đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ngành để thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc với từng địa phương; đồng thời chỉ đạo các địa phương phải chủ động tổ chức các lễ hội, sự kiện du lịch với chất lượng ngày càng nâng cao, quan tâm tổ chức thêm các hoạt động dịch vụ tại các điểm đến đang thu hút du khách, chú trọng phát huy các di sản phi vật thể cũng như tổ chức các cuộc đấu xảo sản vật, trình diễn nghề truyền thống.

Để có những đột phá trong tương lai, du lịch Cần Thơ cần nhiều trợ lực cũng như các chương trình hành động cụ thể, để từng bước thay đổi diện mạo, khẳng định vị thế, thương hiệu đô thị miền sông nước, trở thành đầu mối trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

TTXT du lịch Cần Thơ

Mục lục

Du lịch Cần Thơ
          - Chợ nổi Cái Răng
          - Vườn cò Bằng Lăng
          - Bến Ninh Kiều
          - Chùa Ông Cần Thơ
          - Chùa Nam Nhã
          - Đình Bình Thủy