Địa điểm du lịch Kênh gym

Vườn quốc gia Xuân Sơn nâng cao sinh kế người dân

11/03/2015 - 1768 view
Vườn quốc gia Xuân Sơn nâng cao sinh kế người dân

Vườn quốc gia Xuân Sơn có diện tích vùng lõi 15.048ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt gần 9.100 ha, phân khu phục hồi sinh thái 5.737ha, phân khu dịch vụ, hành chính trên 200 ha; ngoài ra còn 18.639 ha thuộc vùng đệm. Nằm ở một trong ba vùng có đa dạng sinh học phong phú nhất cả nước gồm Hoàng Liên Sơn, Bắc Trường Sơn, Tây Nguyên; Vườn quốc gia Xuân Sơn được xếp vào diện có đa dạng sinh học cao và có nhiều cảnh đẹp, kết hợp bảo tồn, phát triển khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch. Trong vườn có ba đỉnh núi cao gồm núi Voi, núi Ten và núi Cẩn, cùng với đó là hệ sinh thái đá vôi xen kẽ núi đất trên độ cao trung bình 5-6 trăm mét, và nhiều hang động, thác nước tự nhiên, đã tạo cho khu vực này môi trường sinh thái thích hợp cho nhiều loài sinh vật cư trú. Theo khảo sát hiện tại trong Vườn quy tụ gần 1.220 loài thực vật, thuộc 180 họ, 680 chi sinh sống, trong đó có trên 660 loài cây thuốc. Về động vật có 76 loài thú, 240 loài chim, 75 loài bò sát, 24 loài lưỡng thê và trên 90 loài cá. Trong đó có nhiều loài động - thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ bảo tồn và phát triển kinh tế đa chức năng, nhiều năm qua UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Vườn quốc gia Xuân Sơn tranh thủ huy động nhiều nguồn lực, triển khai đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục hạ tầng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên và khai thác phục vụ du lịch sinh thái. Tiếp nối thành công xây dựng tuyến giao thông nối QL2 vào trung tâm vườn dài hơn 20km, khu nhà quản lý của vườn; thời gian qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư xây dựng một số hạng mục đường nội bộ, khu vực nghỉ dưỡng, các công trình phục vụ du khách đến tham quan, du lịch sinh thái... Đặc biệt, Vườn quốc gia Xuân Sơn tập trung nâng cao sinh kế người dân, qua đó góp phần quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng và tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch.

Hiện nay trong xã Xuân Sơn và các xã vùng đệm xung quanh còn hơn chục ngàn nhân khẩu chủ yếu là người Mường, người Dao sinh sống lâu năm, có tập quán sinh sống tác động, ảnh hưởng đến rừng. Nhiều năm qua Vườn quốc gia Xuân Sơn và huyện đã có biện pháp thuyên chuyển một số hộ vùng bảo vệ nghiêm ngặt ra khỏi rừng, nâng cao đời sống của dân cư, hạn chế phá rừng. Cách đây hơn chục năm, huyện đã thực hiện di cư trên 40 hộ từ vùng lõi ra khu vực Đồng Tào của xã Xuân Đài. Thông qua dự án Nâng cao sinh kế người dân do Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tài trợ, BQL đã tập trung hướng dẫn nâng cao kiến thức nuôi, trồng một số cây con, kỹ thuật sản xuất thâm canh tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã Xuân Sơn và vùng đệm. Dự án đã tạo điều kiện cho đồng bào phát triển nuôi lợn rừng lai, gà nhiều cựa, trồng chè shan tuyết, khoai tầng, rau sắng... làm hàng hóa. Sau hơn 5 năm triển khai dự án đã phát huy hiệu quả rõ rệt, toàn vùng có hàng trăm hộ tham gia, thu nhập gia tăng đáng kể. Thúc đẩy các cây trồng đặc hữu ở khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn như chè shan tuyết, rau sắng, măng tre, trúc, vầu... phát triển, hạn chế việc phá rừng. Một số hộ ở Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn, Đồng Sơn... thu nhập hàng chục triệu từ nuôi gà, lợn đặc sản bán dịp tết.

Từ năm 2013, Vườn quốc gia Xuân Sơn tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng ở 29 thôn, bản thuộc 6 xã; trong đó có 9 thôn bản vùng đệm trong và 20 thôn vùng đệm ngoài, với 2.828 hộ, 12.000 nhân khẩu. Đây hầu hết là các hộ nghèo với mức thu nhập bình quân mỗi khẩu trên dưới 6 triệu đồng/ năm. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng người dân thuộc vùng đệm, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích đảm bảo quy định của chính sách, phù hợp với nguyện vọng của dân, BQL Vườn quốc gia Xuân Sơn phối hợp với chính quyền về từng thôn, bản họp đánh giá, nhận xét các tiêu chí, lựa chọn thứ tự ưu tiên để hỗ trợ. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu việc ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng.

- Qua hơn một năm thực hiện đã có 16 cộng đồng, 2.000 hộ ở 29 thôn, bản tham gia được đầu tư, kinh phí khoán bảo vệ rừng; định mức giao khoán là 100.000 đồng/ ha/ năm. Kinh phí phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm định mức 40 triệu đồng/thôn, bản/ năm; tập trung đầu tư hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển sản xuất qua hoạt động khuyến lâm như: Hỗ trợ cây giống, con giống, thiết bị chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ với mức bằng 60% giá trị; hỗ trợ vật liệu xây dựng công trình công cộng của cộng đồng, đường giao thông, hệ thống tưới tiêu, nhà văn hóa... bằng 40% tổng vốn đầu tư. Kết quả đã tu sửa 3 nhà văn hóa; cấp trên 2.000 chiếc ghế, một số máy bơm nước, loa phát thanh, âm ly, ti vi phục vụ nhà văn hóa; trồng được  trên 2.000 cây xung quanh nhà văn hóa và ven đường các thôn, bản, làm gần 2.000m kênh mương và đường ống mềm dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; tu sửa hàng nghìn mét đường giao thông liên thôn và hỗ trợ hàng chục con lợn giống...

Từ hoạt động hỗ trợ đã tiếp tục nâng cao hiệu quả các dự án trước đây, đẩy mạnh nâng cao sinh kế của người dân, hạn chế tác động vào rừng, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Sơn. Thông qua các dự án đã bước đầu tạo cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc phát triển kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, chuyển dần thói quen sống phụ thuộc vào rừng, sang sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc sản phục vụ nhu cầu du lịch, qua đó từng bước xây dựng Xuân Sơn thành Vườn quốc gia đa chức năng. Đặc biệt hạn chế tích cực tác động vào rừng đặc dụng. Từ năm 2013 đến nay các vụ vi phạm khai thác rừng, gỗ rừng trái phép, cháy rừng, phá rừng làm nương rẫy... đã gần như không còn. Tính đa dạng sinh thái ở Vườn quốc gia Xuân Sơn được bảo tồn, mỗi năm có hàng nghìn du khách đến tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học. Từ kết quả này đã tạo ra chuyển biến để tiếp tục xây dựng, quản lý, bảo vệ, khai thác tiềm năng Xuân Sơn, đầu tư xây dựng đường cao tốc nối Đền Hùng với Xuân Sơn mở ra tuyến du lịch mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

TTXT du lịch Phú Thọ

Mục lục

Du lịch Phú Thọ
          - Vườn quốc gia Xuân Sơn
          - Đầm Ao Châu
          - Đền Mẫu Âu Cơ
          - Đền Hùng Phú Thọ