Địa điểm du lịch Kênh gym

Đầm Ao Châu với kinh tế xanh

20/05/2017 - 1257 view
Đầm Ao Châu với kinh tế xanh

Chẳng biết từ bao giờ, con nước từ ngọn nguồn theo khe suối chảy về lấp đầy những khoảng trũng giữa vùng đồi thấp thuộc thị trấn Hạ Hòa và các xã: Y Sơn, Ấm Hạ, Phụ Khánh (huyện Hạ Hòa) tạo nên vùng đầm nước mênh mang có tên gọi đầm Ao Châu (Phú Thọ). Non xanh, nước biếc của đầm đã gắn liền với đời sống, lịch sử, văn hóa; góp phần không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Hạ Hòa.

Theo thuyết minh về đầm Ao Châu, nơi đây có trữ lượng nước lớn, ước đạt trên 6,1 triệu m3 với trên 100 đảo, bán đảo lớn nhỏ được bao phủ bởi thảm thực vật đa loài, dày đặc, nhiều tầng và phong phú. Người dân quanh khu vực đầm từ nhiều đời nay có cuộc sống thanh bình, tự tại nhờ hoa thơm trái ngọt và khai thác những nguồn lợi thủy sản, việc khai thác tiềm năng để phát triển các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đã góp phần rất lớn trong tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không ai có thể phủ nhận đầm Ao Châu là một cấu thành không thể thiếu của tự nhiên và giữ vai trò quan trọng đối với cả khu vực rộng lớn xung quanh, từ vẻ đẹp đến những chức năng hữu dụng cho đời sống như: Dự trữ và cung cấp nước phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp lâu đời của cả vùng thông qua hệ thống kênh mương. Cũng từ sự trao đổi nước trong đầm với sông Hồng và các dòng chảy góp phần làm chất lượng nước trong vùng tốt hơn, mực nước ngầm trong lòng đất được nâng cao, tạo ra nguồn sản vật tự nhiên phong phú trong đầm và trong khu vực. Đầm rộng và sâu, giúp cắt lũ và điều tiết mực nước lũ trong vùng nên nhiều năm qua toàn vùng không hề có ngập úng hay lũ quét...

Từ năm 2015, đầm Ao Châu được UBND tỉnh giao cho huyện Hạ Hòa tiếp nhận, quản lý đất, tài sản trên cơ sở diện tích đất do cơ sở giáo dục Thanh Hà chuyển giao. Sau khi tiếp nhận, UBND huyện đã tiến hành lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xác định giới hạn đất cho khu vực đầm. Huyện đã quy hoạch quỹ đất phục vụ du lịch đầm Ao Châu có tổng diện tích 592,3ha, trong đó có 100ha trồng cây lâu năm; 130ha mặt nước chuyên dùng, 5ha đất thủy sản, 9ha đất trồng lúa, 6ha đất ở và 342ha trồng rừng. Phần lớn quỹ đất được chia cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý. Bên cạnh việc chuẩn bị quỹ đất “sạch” để kêu gọi thu hút đầu tư, huyện đã tăng cường công tác quản lý, quy hoạch phòng ngừa và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Huyện đã ra quân vệ sinh môi trường toàn khu vực đầm, hoạt động này đã thu hút trên 500 đoàn viên, hội viên của các cơ quan, đoàn thể, cán bộ công chức... trong huyện và 18 xã, thị trấn tham gia. Các hoạt động thiết thực như: Giải phóng mặt bằng, tuyên truyền để người dân tự tháo dỡ các công trình, kiến trúc xâm phạm đến diện tích đất, mặt nước và tiến hành thu hoạch cây cối, hoa màu, thủy sản trên diện tích đất, nguồn nước khu vực đầm được người dân hưởng ứng. Con đường dẫn từ trung tâm thị trấn Hạ Hòa vào khu vực chính của đầm được đầu tư xây dựng giúp việc đi sâu vào đầm trở nên dễ dàng... Tầm ảnh hưởng của đầm đối với đời sống kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái được người dân địa phương nhận thức rõ, nên họ đã cùng chính quyền địa phương tham gia khôi phục và bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Về thăm đầm Ao Châu hôm nay để thấy sự hồi sinh, xanh, trong trở lại, các dịch vụ, hàng quán của người dân địa phương mở ra sầm uất, phong phú. Mang theo phao cứu hộ, nước uống và thực hiện một vài thao tác quen thuộc tới mức không cần nhìn, chủ thuyền Nguyễn Viết Hồng (khu 11, thị trấn Hạ Hòa) nhiệt tình đưa chúng tôi du ngoạn, khám phá đầm Ao Châu. Cũng như nhiều người dân làm nghề lái thuyền chở khách ở đây, ông đã có hơn 20 năm làm nghề lái thuyền trên đầm, nay còn là một hướng dẫn viên du lịch vì được tham gia các lớp tập huấn do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Từng phục vụ rất nhiều đoàn khách, từ việc đi lại, làm việc của các cán bộ cơ sở giáo dục Thanh Hà, đến các cấp chính quyền, nhà đầu tư, nhà khoa học tới nghiên cứu, đánh giá các giá trị của đầm, nay ông kiêm hướng dẫn viên du lịch và cũng kiêm luôn vai trò công nhân vệ sinh môi trường. Vừa dẫn chúng tôi tham quan, ông vừa kể những câu chuyện từ thời xa xưa tại đầm và nhanh tay nhặt những vỏ lon nước ngọt, túi ni lông... mà người dân và du khách để lại trên các đảo, trôi dạt trên mặt nước. Ông Hồng chia sẻ: “Ý thức được giá trị của việc bảo vệ môi trường, nhiều gia đình trước đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt các loại tôm, cá trên đầm hay khai thác gỗ, săn tìm những loài động vật hiếm bán cho thương lái nay đã chuyển hướng sang nuôi cá lồng, trồng cây ăn quả như vải, bưởi... tại các đảo, vừa mang lại giá trị kinh tế vừa phục vụ khách du lịch tham quan. 2 năm qua, các loại cá to cỡ 20-25 kg đã có nhiều khách bắt được khi tham gia chuyến câu cá đầm Ao Châu Phú Thọ, kỷ lục nhất là năm 2016 vừa qua có người câu được “ông cá” nặng tới 34,5 kg... Khách du lịch ở Hà Nội và các tỉnh khác tới tham quan ngày càng nhiều. Hy vọng trong thời gian không xa, các dự án xây dựng sẽ được đầu tư để người dân quanh vùng có thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập...”.

Đập tràn bê tông được xây dựng, mực nước trong đầm được giữ ổn định phục vụ đắc lực trong công tác thủy nông; các loại cá lớn dần xuất hiện trở lại; nhiều lán trại trông cá lồng lọt thỏm dưới bóng vườn cây ăn quả, rừng thứ sinh, rừng cọ trên đảo; người dân trên thuyền chài, trên đảo niềm nở vẫy tay chào khách lạ tạo cảm giác ấm áp, chan hòa. Hoàng hôn dần xuống, mặt trời đỏ rực, lấp loáng phía xa và gần ngay mạn thuyền như chiếc lá trôi giữa non, nước, mây, trời. Những giá trị, tiềm năng của đầm Ao Châu - viên ngọc xanh giữa vùng núi đồi trung du đang được đầu tư, khai thác đúng hướng, tạo ra những giá trị bền vững cả về tự nhiên, xã hội.

TTXT du lịch Phú Thọ

Mục lục

Du lịch Phú Thọ
          - Vườn quốc gia Xuân Sơn
          - Đầm Ao Châu
          - Đền Mẫu Âu Cơ
          - Đền Hùng Phú Thọ