Địa điểm du lịch Kênh gym

Lên thăm Vườn quốc gia Pù Mát về với “địa đàng xanh”

21/04/2014 - 3131 view
Lên thăm Vườn quốc gia Pù Mát về với địa đàng xanh

Theo tiếng gọi của những cung đường, những cánh rừng xanh thẳm của miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi có chuyến hành trình thú vị. Bây giờ, miền Tây đang vào giữa mùa khô, dần mơ màng màn sương hong nắng dịu dàng, làm hồng thêm những đôi má cô gái Thái vui trẩy hội...

Trưởng nhóm của chúng tôi lần này là Nguyễn Cường, một cán bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, chuyên về lĩnh vực hải sản. Quanh năm suốt tháng bám việc ở miền biển, vậy nên cứ rảnh được ngày nghỉ nào là Cường tìm đến vùng rừng núi. Vườn Quốc gia Pù Mát - điểm đến lần này, Cường đã đến đôi lần, giờ đi là đóng vai trò “hướng đạo”. Cường còn rành rẽ rằng Pù Mát theo tiếng Thái có nghĩa là “núi cao”; vườn lấy tên theo đỉnh núi cao nhất vùng (1.841m). Vườn Quốc gia Pù Mát nổi tiếng trong và ngoài nước với việc phát hiện ra loại thú đặc hữu - sao la và nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới... Không tham vọng được nhìn thấy một vài loài động thực vật đặc hữu của vườn, hay chinh phục đỉnh Pù Mát, chúng tôi chỉ mong thưởng thức những cảnh đẹp, tìm hiểu cuộc sống con người nơi đây.

Và đây vùng Cao Vều, huyện Anh Sơn, thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát. Đất Cao Vều mới chỉ được khai phá trong khoảng trên dưới 20 năm trở lại. Bà con người Thái di cư từ nơi khác tới Cao Vều cho hay: Những lúc động rừng, voi vẫn thường về đây, có những đêm mưa từ núi xa vẫn vọng lại tiếng hổ gầm. Vườn quốc gia Pù Mát chính là nơi sinh tồn lâu đời của người Thái. Nơi ven đồi, ven sông, ven suối, họ dựng nhà sàn, trồng lúa nước, trồng màu, làm rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sống quần tụ với nhau thành các bản. Rừng Pù Mát thâm u, hoang sơ lắm, nhiều nơi chưa hề có dấu chân người. Không thể xuyên rừng, Cường  dẫn chúng tôi theo Quốc lộ 7 lên đến huyện Con Cuông, từ ngã ba Khe Diêm rẽ vào Lục Dạ, Môn Sơn (những cái tên như gợi về truyền thuyết).

Thắng cảnh đầu tiên của Vườn quốc gia Pù Mát mà chúng tôi gặp là suối Mọc, ở bản Nứa - dòng nước ngầm xuyên qua các dãy núi đá vôi, rồi đột ngột hiện lên mặt đất. Nước suối Mọc trong ngần mát rượi giữa mùa hè thiêu đốt. Ở những bản làng người Thái của hai xã Môn Sơn, Lục Dạ lâu nay đã phối hợp với các công ty mở tour du lịch cộng đồng. Du khách có thể đến đây tìm hiểu cuộc sống cư dân bản địa bằng việc ăn, ngủ tại nhà, xem cách thức chế biến món ăn truyền thống hay nghề dệt thổ cẩm cổ truyền. “Thổ cẩm ở Môn Sơn đẹp từ chất liệu, màu sắc sặc sỡ và họa tiết độc đáo. Vì làm hoàn toàn bằng phương thức thủ công nên để dệt được một chiếc khăn thổ cẩm mất ít nhất 1 ngày, túi xách thì 2 ngày, dệt được bộ váy phải mất 10 ngày” -  Hà Thị Hồng, cô gái ở bản Xiềng giới thiệu.

Người Thái ở vùng đất Môn Sơn - Lục Dạ sinh sống tập trung theo dòng họ, với một số nét tín ngưỡng và tập tục riêng, và nhảy sạp, uống rượu cần là đặc trưng không thể trộn lẫn trong sinh hoạt thường ngày. Hàng năm, vào ngày 14,15 tháng 4, nơi đây mở Lễ hội Môn Sơn Lục Dạ. Lễ hội gắn liền với ước nguyện mùa màng bội thu, no ấm. Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như: ném còn, đánh bóng chuyền, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, thi ẩm thực, thi dệt thổ cẩm.

Đặc biệt là cuộc thi “Người đẹp Môn Sơn” được rất nhiều người mong đợi. Ở xã Môn Sơn, ngoài người Thái sinh sống còn có một bộ phận người Kinh và người Đan Lai. Chị Ngân Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho hay: Để bảo tồn và và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án, các cấp ngành đã có nhiều sự đầu tư để nâng cao nhận thức, đời sống cho người Đan Lai. Ở Môn Sơn, người Đan Lai sống tập trung tại 3 bản: Cò Phạt, bản Cồn và bản Búng. Muốn vào 3 bản này phải bơi thuyền ngược dòng lên thượng nguồn sông Giăng thơ mộng, một tuyến thượng ngoạn hấp dẫn của Vườn quốc gia Pù Mát.

Bên đập thủy lợi Phà Lài (Tiếng Thái có nghĩa là hoa của trời), trải dài tầm mắt, một khung cảnh núi rừng sông nước hiện lên hùng vĩ. Chúng tôi đã lên thuyền độc mộc gắn máy mở đầu cho hành trình du lịch vào bản làng người Đan Lai. Cảnh sắc sông Giăng cùng tán rừng của Vườn quốc gia Pù Mát hiện ra ở nhiều góc độ khác nhau: Những dãy núi đá vôi dốc đứng, kỳ vĩ, cây cối rậm rạp, lơ lửng những chùm phong lan. Tiếng chim, tiếng ve, cùng tiếng nước sông tạo nên một bản giao hưởng đặc trưng của đại ngàn. Anh Nguyễn Văn Hưng, người lái thuyền kể cho chúng tôi nghe về con sông Giăng: bản thân con sông Giăng trải dài trên 100 km đã là một kỳ quan mà tạo hóa ưu ái dành cho miền Tây xứ Nghệ.

Dòng sông mềm mại xuất phát từ biên giới Việt - Lào, không chỉ là tuyến giao thông “độc đạo” vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, mà còn là nơi mưu sinh của những người dân bản địa. Sông Giăng rất đỗi hiền hòa nhưng cũng có lúc dữ dội khi lũ về, sông chở đầy phù sa cho bãi ngô, bãi khoai phía hạ lưu luôn xanh mướt, và sông cũng là nơi sinh tụ của cá mát - một loài cá quen sống bầy đàn trong các khe đá, cá mát vừa lành vừa bổ như chính cái tên của nó, thịt thơm ngon, ít xương, đặc biệt ăn cá mát có tác dụng lợi sữa, hạn chế các chứng bệnh về tim mạch, rất thích hợp cho người già. Cá mát sông Giăng nay người xứ Nghệ coi như món đặc sản dân dã, với cách chế biến nào cũng ngon.

Bản Cò Phạt nơi sinh sống của 97 hộ dân người Đan Lai bây giờ đã có đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Cuộc sống đang đà đi lên. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, những hàng rào làm bằng nứa bao quanh những ngôi nhà sàn vững chãi nằm gối đầu vào sườn đồi, được bao phủ bởi một màu xanh của những nương ngô, nương sắn. Không chỉ có nhóm chúng tôi đến thăm tộc người Đan Lai mà đã có rất nhiều đoàn khác. Ở nơi đây, chúng tôi đã gặp những nhà khoa học trong và ngoài nước về nghiên cứu sự đa dạng sinh học; những đại diện công ty du lịch khảo sát mở tour tuyến, những chiến sỹ biên phòng và cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát; huyện và xã thường xuyên đến thăm hỏi, chăm lo, hướng dẫn phương thức làm ăn cho người dân.

Trên bến sông Giăng ở bản Cò Phạt ngắm dòng chảy dưới bóng nắng trưa, đám trẻ lùa trâu xuống tắm là một cảm giác thi vị đưa ta về gặp lại tuổi thơ, hòa vào lòng mẹ thiên nhiên. Lên thuyền của Trưởng bản Cò Phạt - La Văn Linh chở về bến Phà Lài, chúng tôi rời Môn Sơn về thác Khe Kèm, ở xã Yên Khê, một thắng cảnh nên thơ của Vườn quốc gia Pù Mát. Thác Kèm hùng vĩ với độ cao 500m. Nghe nói rất nhiều nhà khoa học khi nghiên cứu tại đây đã khẳng định, thác Kèm là thác nước gần như nguyên sinh nhất ở Việt Nam. Người Thái nơi đây vẫn gọi thác Kèm là Bổ Bố, có nghĩa là dải lụa trắng. Quả thật, từ chân thác nhìn lên, nước từ trên cao đổ mạnh xuống qua 3 thang bậc với những dải bọt trắng xóa như bông. Phía trên và hai bên thác là cả một thảm thực vật với hàng trăm loài hoa quanh năm khoe sắc. Dưới chân thác là khe nước dài với những phiến đá phẳng lỳ như những chiếc bàn lớn làm chỗ nghỉ chân cho du khách. Cũng tại chân thác, là những hồ nhỏ có độ nông, sâu khác nhau. Trong cái khô nắng của mùa gió Lào, quanh thác luôn mát mẻ vào khoảng 20 độ C - “hướng đạo” Nguyễn Cường cho biết. Nơi đây đã có cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống phục vụ du khách.

Rong ruổi tiếp trên những cung đường, chúng tôi đi thăm thành Trà Lân, bia Ma Nhai, hang Ông Trạng (Thị trấn Con Cuông); chiêm ngưỡng khu rừng săng lẻ cổ thụ, cao khoảng 50m và tỏa bóng mát quanh năm ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương, thuộc địa phận Vườn quốc gia Pù Mát. Không khí nơi đây trong lành và khung cảnh bình yên vô chừng, như chực ru người vào giấc ngủ trưa, xua đi mệt mỏi. Qua những rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo, chúng tôi lại đến những khu rừng nguyên sinh xanh bạt ngàn, độc pơ mu, sa mu thuần loài, có những cây có đường kính đến gần 5m nơi thượng nguồn khe Thơi, khe Bu, khe Choăng; thăm cây di sản Việt Nam sa mu dầu quý hiếm, được xác định loài sẽ nguy cấp, cây cao khoảng trên 70m (được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đánh giá là cây cao nhất Việt Nam hiện nay).

Thăm Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, vườn thực vật, vườn ươm, đình Làng Âu ở khu hành chính văn phòng của Vườn. Chúng tôi được ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: Pù Mát hiện được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận năm 2007. Vườn Quốc gia Pù Mát có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch. Hiện cán bộ Vườn nói riêng và người dân Nghệ An nói chung đang ra sức bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, quản lý bảo vệ rừng, giữ tính đa dạng vốn là tài nguyên du lịch... Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang kêu gọi đầu tư tập trung vào những dự án du lịch sinh thái trọng điểm, trong đó có Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát. Được biết, trong tháng 2 vừa qua, tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty du lịch Vietravel để tính đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch. Chắc chắn rằng sản phẩm “Hành trình về với quê hương vĩ nhân” thì Pù Mát là điểm đến được ưa chuộng.

Tôi vẫn thích gọi Pù Mát là “địa đàng xanh”, không chỉ nơi đây có tính đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, mà luôn xanh mãi lời hẹn của bao du khách rằng “đỉnh Fasipan nóc nhà Đông Dương đã bao người chinh phục; đỉnh Pù Mát nguyên sinh xứ Nghệ dẫu thấp hơn nhưng vẫn chưa thể có ai lên. Tôi cũng vậy, tự nhủ rằng, chuyến đi này chưa thể khuất phục được núi cao nơi “địa đàng xanh” miền Tây xứ sở, nhưng rồi tôi sẽ trở lại!.

Lên thăm Vườn quốc gia Pù Mát về với địa đàng xanh 2

Lên thăm Vườn quốc gia Pù Mát về với địa đàng xanh 3


TTXT du lịch Nghệ An

Mục lục

Du lịch Nghệ An
          - Bãi biển Cửa Lò
          - Vườn quốc gia Pù Mát
          - Khu di tích Kim Liên (quê Bác Hồ)
          - Đền Cuông
          - Đền Cờn