Địa điểm du lịch Kênh gym

Kỹ thuật lặn biển - Phần 2 : Kỹ thuật thông tai - Tập luyện

29/01/2013 - 6729 view
Phần 2: Tập luyện

Về cách tập thao tác Frenzel thì trên mạng cũng có không ít tài liệu hướng dẫn, nhưng ở đây mình hướng dẫn theo kinh nghiệm bản thân mình, và tập trung vào giai đoạn "bắt nhịp" ban đầu vì sau đó thì mình thấy là mọi thứ diễn ra khá tự nhiên (mỗi người tự cảm nhận và tự tập được theo cách riêng của mình) và không cần phải "tập luyện theo bài" nữa. Thực ra, cũng như nhiều môn thể thao khác, cách hướng dẫn tốt nhất là "làm mẫu" và cách học tốt nhất là "bắt chước". Có nhiều động tác mà chúng ta chỉ cần nhìn một cái là bắt chước được ngay, nhưng dùng ngôn ngữ thì tốn hằng trang vẫn không truyền tải được. Dù sao thì ở đây mình cũng cố gắng giải thích bằng mọi cách có thể.

    Đóng các van vùng cổ họng: Nín thở là một phản ứng phức tạp bao gồm sự tham gia của nhiều cơ khác nhau trên cơ thể, nhưng nhìn chung thì có 2 vùng cơ lớn là vùng cơ bụng/hoành/ngực và các cơ vùng cổ họng. Khi hít vào hoặc thở ra, ta dùng các cơ dưới bụng (cơ bụng, cơ hoành, cơ ngực), đến cuối cùng dừng lại (nín thở) thì các cơ đó vẫn đang căng... Chỉ khi ta thả lỏng các cơ vùng ngực & bụng ra mà vẫn còn nín thở thì các cơ vùng cổ họng mới phát huy tác dụng. Với những người đã quen lặn vo thì các "van" vùng cổ họng được đóng một cách tự động. Nhưng với những ai chưa quen thì nên tập hít vào/thở ra hết cỡ rồi nín thở và thả lỏng cơ vùng ngực & bụng, rồi ghi nhận cảm giác đó. Nếu làm đúng thì ngay khi dừng nín thở, bạn sẽ nghe tiếng rít (hoặc nhẹ hơn là tiếng "phật", "phù", "xì") và cảm giác rõ các "van" ở cổ họng mở ra để hơi thoát ra hoặc hút vào. Theo mình thì thở ra nín thở (phổi lép) sẽ cảm giác rõ hơn là hít vào nín thở (phổi đầy).

    Cô lập nắp thanh quản: Ở vùng cổ họng, chúng ta có tới 3 loại cơ tham gia vào việc chặn luồng khí ra/vào phổi khi nín thở. Chúng bao gồm 2 van và lưỡi (đa năng): 1) Nắp thanh quản (epiglottis) là van chặn khí ra vào thanh quản (phần trên của khí quản nối liền xuống phổi); 2) Vòm họng mềm (soft palate) là van lưỡng dụng, khi nâng lên chặn khí thông với khoang mũi, khi hạ xuống chạm cuống lưỡi thì chặn khí thông với khoang miệng, khi để ở giữa (vị trí trung tính) thì thông khoang miệng với khoang mũi; 3) Lưỡi là một cơ đa năng, đầu lưỡi khi đưa lên chạm vòm họng cứng (vùng răng cửa) thì chặn khí thông giữa khoang miệng với bên ngoài (thay cho môi), cuống lưỡi khi đưa lên chạm vòm họng mềm thì chặn khí thông giữa khoang miệng với bên trong (phổi và khoang mũi). Thông thường thì khi nín thở cả 3 cơ này phối hợp như sau: cả lưỡi áp sát vòm họng và đẩy ra sau bịt chặt khoang miệng, vòm họng mềm nâng lên bịt chặt khoang mũi, nắp thanh quản đóng bịt chặt thanh quản. Nhưng trong thao tác Frenzel thì ta chỉ được dùng nắp thanh quản để chặn luồng khí thôi. Sau khi thả lỏng các cơ ngực & bụng, tới đây chúng ta phải tập nín thở chỉ dùng nắp thanh quản: hít đầy hơi hoặc thở ra hết, nín thở, hả họng, lè lưỡi mà vẫn còn nín thở. Khi đó, chúng ta đã thả lỏng van khoang miệng (lưỡi) và van khoang mũi (vòm họng mềm). Nếu bạn không thả lỏng được 2 cơ đó (không hả họng lè lưỡi được) thì hãy thử nuốt (nước miếng) vào, động tác nuốt sẽ tạo phản xạ đóng nắp thanh quản (phản xạ giúp tránh nước / thức ăn lọt vào thanh quản). Khi cô lập được việc đóng nắp thanh quản, hãy ghi nhận cảm giác nằng nặng ở cổ đó.

    Tập phùng má: Sau khi đã dùng nắp thanh quản và chỉ một mình nắp thanh quản để nín thở, ta bắt đầu tập điều khiển vòm họng mềm để làm nhiệm vụ khác. Bạn hãy thở ra hết, thả lỏng cơ ngực & bụng, hả họng lè lưỡi, rồi ngậm miệng lại phùng má, xẹp má, lặp lại phùng má, xẹp má... Ở đây, mình nhấn mạnh phải thở ra nín thở (phổi lép) để đảm bảo không khí dùng để phùng má được lấy từ mũi chứ không phải từ phổi. Đặt ngón tay trước lỗ mũi, nếu bạn cảm thấy hơi thoát ra khi xẹp má thì mọi việc đang tiến triển tốt, còn nếu không thì nên thử kết hợp tập song song với bài tập tiếp theo "piston miệng". Nếu làm đúng thì bạn sẽ nghe tiếng "khịt khịt" nhỏ ở mũi khi phùng/xẹp má do vòm họng mềm đổi tư thế: vòm họng mềm gập xuống sát cuống lưỡi để "nhốt khí" trong khoang miệng khi đang phùng má, và nó nâng lên vị trí trung tính khi hút khí vào (chuẩn bị phùng má) cũng như khi đẩy khí ra (xẹp má).

    Tập piston miệng: Bước cuối cùng trong phần tập "bắt nhịp" các cơ là tập biến khoang miệng (lưỡi, hàm, má) của mình thành một cái "máy bơm": thở ra hết, thả lỏng cơ ngực & bụng, hả họng lè lưỡi rồi ngậm miệng lại, hạ hàm dưới xuống (như há miệng) trong khi môi vẫn khép kín, nâng hàm lên, lặp lại hạ hàm xuống, nâng hàm lên... Nếu làm đúng thì khi đặt ngón tay trước lỗ mũi bạn sẽ cảm thấy hơi thoát ra khi nâng hàm lên, khi đó cả thềm họng mình (hàm và lưỡi) đóng vai trò như cái piston đẩy khí ra mũi. Tập hạ nâng hàm càng nhanh càng tốt. Tiếp theo, bạn hãy dùng 2 ngón tay bóp nhẹ lỗ mũi (để làm hẹp lỗ mũi) trong khi hạ nâng hàm và dùng một ngón tay khác đặt trước lỗ mũi để cảm nhận luồng khí ra vào. Khi đã điều khiển và cảm nhận được luồng khí ra vào một cách suôn sẻ, bạn hãy chuyển sang bước cuối (làm từ từ): 2 ngón tay để sẵn ở tư thế bóp mũi, buông tay ra khi hạ hàm xuống (hút khí vào), bóp mũi khi nâng hàm lên (đẩy khí ra), và lặp lại cùng với việc tăng dần độ bóp mũi cho đến khi bóp kín hoàn toàn lỗ mũi. Nếu bạn thấy hơi thông ra 2 lỗ tai (ù tai) khi bóp kín lỗ mũi thì bạn đã thành công, còn nếu không thì giảm bớt độ bóp mũi và/hoặc kết hợp kỹ thuật "giả lập nghẹt tai" bên dưới.

    Giả lập nghẹt tai: Để có được cảm giác nghẹt tai khi lặn xuống để kiểm tra tính hiệu quả của kỹ thuật thông tai, ta có thể tạo áp suất âm trong tai giữa bằng cách sau: ngậm miệng, bóp kín mũi, hít mạnh vào (thấy 2 lỗ mũi bị ép chặt lại), nuốt (nước miếng). Động tác nuốt sẽ mở rộng vòi Ơ-tát làm tai giữa thông với khoang mũi nên tai giữa cũng nhận được áp suất âm trong khoang mũi làm màng nhĩ bị ép vào trong. Ngay sau khi cảm thấy màng nhĩ bị ép, bạn hãy tập ngay các thao tác thông tai xem có hiệu quả không, và nhớ đừng nuốt nước miếng vì nó sẽ thông tai ngay (động tác nuốt là một kỹ thuật thông tai đơn giản nhưng khá kém hiệu quả). Thao tác này cũng có thể dùng để hút dịch / nước ở tai giữa ra nếu cần.

Kỹ thuật lặn biển - Phần 2 : Kỹ thuật thông tai - Giới thiệu

Kỹ thuật lặn biển - Phần 2 : Kỹ thuật thông tai - Nâng cao 


- Lặn biển

Vamvo.com
Tổng hợp.


Sep30Du lịch Mexico - Văn hóa rượu Tequila gắn liền với đất nước Mexico
du lich mexico van hoa ruou tequila
Trên thế giới, tequila là một trong 5 loại rượu được tiêu th...
Sep29Du lịch Mexico - Quần đảo Marieta, bãi biển ẩn mình dưới hố sâu
du lich mexico quan dao marieta bai bien an minh duoi ho sau
Bãi biển ẩn giấu ở Mexico như một thiên đường tách biệt được...
Sep23Du lịch Canada - Hồ Moraine đẹp như tranh
du lich canada ho Moraine dep nhu tranh
Cảnh đẹp hồ Moraine đã trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng lý ...
Sep27Du lịch Canada - Thác Niagara, kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng
du lich canada thac niagara ky quan thien nhien noi tieng
Thác Niagara nổi tiếng khắp thế giới vì qui mô to lớn, vẻ đẹ...