Địa điểm du lịch

Kỹ thuật lặn biển - Phần 2 : Kỹ thuật thông tai - Giới thiệu

29/01/2013 - 14272 view
Phần 1: Giới thiệu

Khi bắt đầu học lặn, việc quan trọng đầu tiên chúng ta bắt buộc phải học để có thể xuống được dưới nước là kỹ thuật thông tai (cân bằng áp suất tai giữa với áp suất môi trường). Trong môn lặn bình hơi (và nhập môn lặn tự do) thì kỹ thuật thông tai cơ bản được giới thiệu là "bịt mũi - thở ra", tức thao tác Valsalva (Valsalva manoeuvre). Đây là một thao tác đơn giản nhất về mặt kỹ thuật và hiệu quả đối với hầu hết mọi người trong điều kiện phổi còn chứa đủ hơi. Nhưng trong môn lặn tự do, khi xuống dưới 5 mét nước, phổi chúng ta co lại mất 1/3 (còn 2/3 thể tích), việc "thở ra" để thông tai trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với những người có "cái tai khó thông". Xuống thêm 5 mét nữa, với 1/2 thể tích hơi còn lại trong phổi, hầu hết mọi người đều rất khó khăn, gần như không thể lấy đủ hơi để thông tai bằng thao tác Valsalva. Vì thế, một kỹ thuật thông tai khác hiệu quả hơn được đưa vào làm chuẩn cho môn lặn tự do, đó là thao tác Frenzel (Frenzel manoeuvre).

    Lịch sử: Nếu thao tác Valsalva được bác sỹ giải phẩu người Ý Antonio Maria Valsalva đưa vào y học từ thế kỷ 17, thì thao tác Frenzel được trung tá bác sỹ tai mũi họng người Đức Herman Frenzel phát triển năm 1938 để huấn luyện cho các phi công cân bằng áp suất tai trong khi bổ nhào ném bom (dive-bombing). Sau khi thao tác Frenzel được đưa vào môn thể thao lặn hiện đại thì vận động viên lặn vo người Canada Eric Fattah (sinh năm 1975) đã phát triển nó thành kỹ thuật thông tai "phồng má" hay "đầy miệng" (mouth-fill) để đưa con người "tay không" xuống sâu tới cả trăm mét. Không dừng lại ở thể tích giới hạn của khoang miệng, huấn luyện viên lặn vo người Anh Marcus Greatwood (sinh năm 1973) đã thiết kế "túi kéo dài cần bằng" (EqEx - equalisation extension tool) để đưa vận động viên kỷ lục gia lặn vo người Úc Herbert Nitsch xuống dưới 200 mét nước (kỷ lục hiện tại là 214m).

Kỹ thuật lặn biển - Kỹ thuật thông tai 

    Các giới hạn của kỹ thuật Valsalva: Thao tác Valsalva đòi hỏi sự vận động của cả cơ hoành, cơ bụng và cơ ngực (cơ liên sườn) để ép phổi đẩy khí lên tai, nên rất tốn sức, nhất là ở dưới sâu, một điều tối kỵ trong môn lặn vo. Khi lặn vo càng xuống sâu thì thể tích khí trong phổi càng nhỏ nên càng phải dùng nhiều sức để thông tai, và tới khoảng 10 mét thì thao tác Valsalva hầu như không còn hiệu lực nữa. Valsalva Không những không hiệu quả mà còn nguy hiểm khi ta cố sức ép phổi ở dưới sâu. Thực tế là không ít người bị teo phổi (lung squeeze) ở độ sâu chưa tới 10 mét chỉ vì cố gắng thông tai bằng Valsalva. Ngoài ra, với một số người có "cái tai khó khăn" thì nhiều khi phải bất lực với Valsalva và không thể thực hiện "thông tai liên tục" (kỹ thuật liên tục duy trì trạng thái cân bằng áp suất tai giữa, tránh nghẹt tai do lặn xuống nhanh, nhất là ở những mét đầu tiên).


    Nguyên lý hoạt động của kỹ thuật Frenzel(-Fattah): Tương tự như thao tác Valsalva, thao tác Frenzel cũng thông tai bằng cách ép khí vào khoang mũi (gồm phễu lỗ mũi sau, các ngách-xoắn mũi và ống lỗ mũi trước) để đi qua vòi Ơ-tát (vòi nhĩ, Eustachian tube, E-tube) thông lên tai giữa. Nhưng Frenzel đã cải tiến thao tác Valsalva bằng cách thay cái "máy bơm" có thể tích lớn (khoảng 5-6 lít) là phổi bằng cái "máy bơm" nhỏ hơn nhiều là khoang miệng để đạt được áp suất cao hơn mà đỡ tốn sức hơn (vì áp suất = công tác dụng / thể tích). Vậy nghĩa là ta vẫn phải bịt mũi, ngậm miệng như thao tác Valsalva, nhưng thêm nữa là phải đóng nắp thanh quản (epiglottis) và dùng cả thềm họng (chủ yếu là lưỡi, từ đầu lưỡi đến cuống lưỡi) làm piston đẩy khí lên khoang mũi (với vòm họng mềm đặt ở vị trí trung tính). Thực ra điều khó nhất ở kỹ thuật này là việc điều khiển độc lập 2 cái "van": nắp thanh quản chặn khí xuống phổi và vòm họng mềm ngăn giữa khoang miệng với khoang mũi, vì theo tự nhiên thì chúng đóng/mở cùng với nhau.

Kỹ thuật lặn biển - Kỹ thuật thông tai 

    Cảnh báo: Tuy khi mới tập thì chúng ta có thể cảm thấy "không đủ lực để thông tai" nhưng khi "bắt được nhịp" rồi thì cơ thềm họng của chúng ta đủ mạnh để làm tổn thương màng nhĩ, và/hoặc nhẹ hơn thì áp suất lớn đó cũng đủ để chèn ép các động mạch trên đầu làm chúng ta choáng váng, ngất xỉu. (Với thao tác Valsalva thì an toàn hơn, vì phổi chúng ta quá lớn, cơ hoành không đủ mạnh để tạo áp suất cao.) Lưu ý khi lặn xuống sâu, nếu tai khó thông thì vẫn phải quay lên (một tí) chứ tuyệt đối không được cố gắng nén hơi để thông (vì áp suất lớn đang bị chặn bởi cái tai nghẹt đột ngột được thông sẽ có sức công phá rất lớn, làm tổn thương màng nhĩ). Ngoài ra, khi đã tập được thao tác Frenzel rồi thì chúng ta cảm thấy việc lặn xuống rất dễ dàng và dễ dẫn tới việc đi xuống quá nhanh và/hoặc quá sâu vượt khỏi khả năng chịu đựng (áp suất & nín thở) của bản thân, gây nguy hiểm khó lường.

Kỹ thuật lặn biển - Phần 2 : Kỹ thuật thông tai - Tập luyện 

Kỹ thuật lặn biển - Phần 2 : Kỹ thuật thông tai - Nâng cao


- Lặn biển

Vamvo.com
Tổng hợp.


Sep30Du lịch Mexico - Văn hóa rượu Tequila gắn liền với đất nước Mexico
du lich mexico van hoa ruou tequila
Trên thế giới, tequila là một trong 5 loại rượu được tiêu th...
Oct01Du lịch Mexico - Bán đảo Yucatan, thị trấn Playa del Carmen xinh đẹp
du lich mexico ban dao yucatan thi tran playa del carmen
Thường được người dân địa phương gọi là "Playa", Playa del C...
Sep29Du lịch Mexico - Quần đảo Marieta, bãi biển ẩn mình dưới hố sâu
du lich mexico quan dao marieta bai bien an minh duoi ho sau
Bãi biển ẩn giấu ở Mexico như một thiên đường tách biệt được...
Sep30Du lịch Mexico - Teotihuacan, kim tự tháp và nền văn minh Maya
du lich mexico teotihuacan kim tu thap maya
Teotihuacan là một trong những thành phố lớn nổi tiếng thế g...
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang