Địa điểm du lịch

Làng gốm Hương Canh - Vĩnh Phúc


Làng gốm Hương Canh
Làm gốm ở làng nghề gốm Hương Canh
Làng gốm Hương Canh
Một góc làng nghề gốm sứ Hương Canh
Làng gốm Hương Canh ở Vĩnh Phúc là làng gốm cổ sành, có tuổi đời hơn 300 năm và nổi tiếng với những sản phẩm như chum vại, nồi niêu, ấm chén... có độ bền cao, nhằm phục vụ những nhu cầu dân dã thiết yếu.

"Ai về mua vại Hương Canh, Ai lên mình gửi cho anh với nàng" - câu thơ xưa chứng tỏ Làng gốm Hương Canh vốn đã nổi danh từ lâu đời. Dân gian còn truyền khẩu "sứ Móng Cái, vại Hương Canh", bởi gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị của những thứ đựng bên trong.

Hơn nữa, nếu dùng gốm Hương Canh để pha trà thì giữ được vị trà và nhiệt độ rất lâu; đựng rượu không giảm nồng độ, thậm chí càng để lâu thì rượu càng ngon; đựng hạt giống, hạt giống không bị ẩm mốc và bị trẩm, khi gieo trồng thì hầu hết nẩy mầm...

Do điều kiện thổ nhưỡng ở làng gốm Hương Canh chủ yếu là đất sét xanh, có nhiều "thịt" nên sản phẩm gốm khi ra lò rất cứng và có màu đặc trưng, khi gõ vào gốm còn phát ra tiếng kêu cang cang độc đáo. Tiếng lành đồn xa, các mặt hàng gốm Hương Canh được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt rộng rãi trên khắp cả nước.

Trong khoảng thời gian dài từ những năm 1950-1970, gốm Hương Canh đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường gốm sứ, có lúc bà con làng gốm sản xuất không kịp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là dấu mốc một thời vàng son của làng gốm Hương Canh.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, làng gốm Hương Canh đã không còn hưng thịnh như trước, tuy nhiên nghề gốm nơi đây vẫn giữ được những nét tinh túy xưa, một số nghệ nhân lâu năm vẫn miệt mài theo nghề và truyền lại cho thế hệ sau.

Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, các nghệ nhân làng gốm Hương Canh vừa duy trì mặt hàng sản xuất truyền thống, vừa đổi mới đa dạng mẫu mã. Do vậy, gốm Hương Canh hiện nay còn cho ra lò các loại gốm xây dựng và gốm mỹ nghệ đẹp mắt.

Nghề gốm Hương Canh không bị mai một, tiếp tục “giữ lửa” thu hút lao động làm nghề, góp phần lưu giữ nghề truyền thống và ổn định đời sống người dân, trở thành điểm đến tham quan đậm đà bản sắc văn hóa của du lịch Vĩnh Phúc.

Du khách đến làng gốm Hương Canh không chỉ thấy gạch đất ngổn ngang như hồi nào, mà còn là đồ gốm mỹ nghệ, tranh, tượng, phù điêu... đậm hồn quê Đất Việt, lại được dịp tham gia vào việc chế tác, tạo dáng gốm thủ công thú vị .


Đình Hương Canh

Tổng thể Đình Hương Canh
Tổng thể Đình Hương Canh
Kiến trúc Đình Hương Canh
Kiến trúc Đình Hương Canh
Đình Hương Canh có kiến trúc cổ bề thế, chạm trổ tinh vi điêu luyện, độc đáo về mỹ thuật gỗ dân gian. Từ không gian tới cấu trúc, từ tổng thể đến chi tiết đều hài hòa, vừa tạo không khí thiêng liêng, cao vọng mà vẫn gần gũi, bình dị . Cùng với đình Ngọc Canh, đình Tiên Canh, tạo thành cụm đình Hương Canh rất có giá trị của tỉnh Vĩnh Phúc và vùng đồng bằng - trung du Bắc bộ.

Đình Hương Canh được xây dựng từ thời Hậu Lê thế kỷ 17. Bằng thủ pháp đồng hiện phối cảnh, kết hợp khéo léo các lớp cảnh, khối người cùng đường nét chạm khắc sắc xảo, các nghệ nhân tài hoa xưa đã khắc hoạ nên những bức tranh sống động về làng quê Việt thời bấy giờ.

Nằm ở vị trí giữa làng, gần 300 năm nay đình làng Hương Canh vẫn đứng đó kiên vững qua nắng mưa, sương gió. Bộ mái đồ sộ lợp bằng ngói mũi hài, xếp đặt theo kiểu “vẩy rồng” rất chặt chẽ, đều tắp. Bờ nóc được đắp thẳng ke, các đầu đao cong vút, toàn bộ mái đình trông như một cánh diều mềm mại, to lớn.

Xưa kia, đình Hương Canh có 3 toà kiến trúc bố cục theo kiểu chữ “vương”, năm 1964 trong khi tu sửa đã dỡ đi toà cuối cùng, nay còn toà tiền tế và đại đình. Tiền tế gồm 3 gian, mái được làm kiểu 2 tầng 8 mái. Toà đại đình 5 gian 2 dĩ, dài 26m, rộng 13.5m, 4 mái.

Để chống đỡ bộ mái nặng hàng chục tấn ấy, các nhà thiết kế thời bấy giờ đã tạo ra cho đình Hương Canh một bộ khung rất chắc chắn. Riêng toà đại đình gồm 6 hàng chân với 48 cột gỗ tốt. Sự tài tình của người thợ ở đây là ngoài việc mộng sàm chặt khít, còn phải tính toán chính xác để phân phối lực rải đều, từ đó tạo cho đình một thế cân bằng, vững chắc.

Các nghệ nhân còn thổi hồn vào những tiểu tiết của đình Hương Canh bằng kỹ thuật chạm trổ tinh xảo. Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần thừa ra, đều được chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật, với hình ảnh chim thú cùng nhau khiêng đội mái đình.

Đặc biệt là các bức cốn, bức chạm trên ván gió, tạo thành 6 mảng trang trí lớn khiến cho nội thất đình Hương Canh thêm sinh động. Tiêu biểu là các bức: Đấu võ, đấu vật, bơi chải, bầu rượu túi thơ, đi săn về, người cưỡi rồng, táng mộ vào hàm rồng, bát tiên… Đây là những hình ảnh thu nhỏ của lễ hội làng, phản ánh được phần nào sinh hoạt của xã hội thời bấy giờ.


Lễ hội Hương Canh

Lễ hội kéo Song Hương Canh Lễ hội kéo song Hương Canh

Lễ hội kéo Song được tổ chức từ ngày mồng 3 đến 5 tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội kéo co bên sông Cánh, một cách mô phỏng cảnh kéo thuyền trên sông, với không khí sôi động, náo nhiệt. Trong khuôn khổ lễ hội còn có: bơi chải trên sông Cánh, đấu vật, nấu cơm thi… Nơi diễn ra lễ hội gần với Quốc lộ 2, và chỉ cách cụm đình Hương Canh khoảng 500m, thuận lợi cho du khách thập phương đến tham dự chung vui.
Lễ hội ba làng Hương Canh Lễ hội ba làng Hương Canh

Lễ hội ba làng Hương Canh (còn gọi là lễ hội đình Hương Canh) diễn ra vào các ngày rằm tháng hai âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội tưởng nhớ công ơn của các vị Thành Hoàng, được ba làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh đồng tổ chức, gồm 2 phần chính. Phần Lễ rước Thánh gồm kiệu thánh, đội cờ, phường bát âm, long đình, bát bửu, chấp kích, đoàn dân địa phương và du khách. Phần hội gồm tiệc làng, các hoạt động văn nghệ, thể thao như múa, hát xoan, biểu diễn quan họ, chơi cờ người, thi bắt vịt ...

Mục lục

Du lịch Vĩnh Phúc
             - Khu du lịch Tam Đảo
             - Vườn quốc gia Tam Đảo
             - Danh thắng Tây Thiên
             - Hồ Đại Lải
             - Làng gốm Hương Canh
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang