Địa điểm du lịch

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một công trình kiến trúc đẹp, thờ đức Khổng Tử, đây là một trong ba Văn Thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ vào thế kỷ 19. Từ đó đến nay, công trình đã trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được lối kiến trúc cổ xưa, và đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1991, trở thành điểm đến tham quan cho du khách trong chuyến khám phá vùng đất Vĩnh Long.


Lịch sử Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Người chủ xướng xây dựng Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông. Căn cứ văn bia do Phan Thanh Giản soạn, thì vào năm Tự Đức thứ 12 (1859), Gia Định, Biên Hòa, Định Tường nối nhau thất thủ, sĩ phu ba tỉnh phải tỵ địa đến Vĩnh Long và các hạt An Giang, Hà Tiên. Lúc bấy giờ binh mã bận rộn, sĩ tử mang bút tòng quân, việc học bỏ bê.

Năm Tự Đức thứ 15 (1862), đốc học Nguyễn Thông họp các thân hào nhân sĩ bàn việc chọn đất ở địa phận thôn Long Hồ, phía trước có sông dài, phía sau là gò cao, hai bên vườn tược... Đến năm Tự Đức thứ 17 (1864) khởi công, 2 năm sau thì hoàn thành công trình Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Tuy trên danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất đây là tụ điểm hoạt động văn hóa nhằm đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước.

- Thế nhưng chỉ có mấy tháng sau, quân Pháp lại đem chiến thuyền uy hiếp và chiếm thành Vĩnh Long lần thứ hai, Phan Thanh Giản tuẫn tiết, Nguyễn Thông tỵ địa ra Bình Thuận, Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dựng dinh tỉnh trưởng, có ý định phá bỏ Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Lúc đó ông Bá hộ Trương Ngọc Lang được người dân đề cử đứng ra ngăn cản, nhờ vậy công trình văn hóa này mới tồn tại đến ngày nay.


Kiến trúc Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long tọa lạc trên một sở đất rộng bên bờ sông, thuộc làng Long Hồ xưa, nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long. Cổng tam quan uy nghi hướng ra dòng sông tĩnh lặng, được xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái, tuy đơn giản nhưng mỹ thuật, trên hai trụ có chạm đôi liễn thanh tao. Sau cổng là đường thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Hai bên là 2 hàng sao cao vút có cùng niên đại với ngôi Thánh Miếu. Giữa thần đạo là 3 tấm bia đá:
    
- Tấm bia số 1 với trước tác của Phan Thanh Giản trước khi tuẫn tiết (1866), dựng năm 1911.    
- Tấm bia số 2 dựng để kỷ niệm Tống Hữu Định và giới trí thức trong cuộc trùng tu ngôi miếu lần 2 (1903).    
- Tấm bia số 3 dựng năm 1931, với di chúc của Trương Thị Loan (con gái của bá hộ Trương Ngọc Lang).

Cuối đường thần đạo là Điện Đại Thành, có cột gỗ căm xe, lót gạch tàu, lợp ngói đại và ngói ống. Bên trong, nơi chính điện thờ Khổng Tử, hai bên (Tả ban, Hữu ban) thờ Tứ phối, Thập triết. Hai bên chính điện có 2 gian nhà (Tả vu và Hữu vu) thờ Thất thập nhị hiền. Ngoài ra, trong khuôn viên Văn Thánh Miếu Vĩnh Long còn có 2 ao nhỏ trồng sen (hồ Nhật Tinh, hồ Nguyệt Anh) và một công trình kiến trúc quan trọng là Văn Xương Các (còn gọi là Tụy Văn Lâu):

- Văn Xương Các xây theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Trên gác là nơi cất sách và thờ Văn Xương Đế Quân, một vị tinh quân chủ quản việc thi cử học hành. Tầng dưới, gian giữa là nơi văn nhân thi ngồi đàm đạo, phía sau là khám thờ chạm trổ tinh vi, trong đặt hai bài vị, có câu đối ca tụng hai sĩ tử đứng đầu đất Gia Định là Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản. Kề bên Văn Xương Các vẫn còn hai khẩu thần công đại bác, tương truyền là được dùng để bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860...

 
* Đường đi Văn Thánh Miếu Vĩnh Long : Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, bạn theo đường Trần Phú chạy ven dòng sông Long Hồ, chỉ một đoạn ngắn khoảng 2km là đến nơi.
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - đường thần đạo
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - đường thần đạo
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - Văn Xương Các
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - Văn Xương Các
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - sân vườn xanh mát
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - sân vườn xanh mát

Mục lục

Du lịch Vĩnh Long
          - Cù lao An Bình
          - Chùa Tiên Châu
          - Làng gốm Vĩnh Long
          - Văn Thánh Miếu
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang