Địa điểm du lịch Kênh gym

Bản sắc người Tày - Hồ Ba Bể

Người Tày ở hồ Ba Bể

Hồ Ba Bể đẹp ở khung cảnh tĩnh lặng, ở màu xanh bạt ngàn của hệ sinh thái rừng hồ, và ở những nét văn hóa đặc sắc rất riêng của các dân tộc quanh hồ Ba Bể. Trong đó, chiếm đa số là dân tộc Tày, đã định cư tại nơi này hơn 2000 năm qua.

Các bản làng của người Tày thường tập trung ở những dải đất thấp quanh lòng hồ Ba Bể. Nhà sàn của họ được xây dựng bằng 4 đến 7 hàng cột đỡ, tạo thành hai khu vực rõ rệt; phần bên trên sàn làm nơi tiếp khách, bếp đun và nơi ở; phần dưới gầm sàn làm nơi cất giữ nông cụ và chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Mái nhà sàn có kết cấu 2 mái hoặc 4 mái được làm bằng rạ, lá cọ. Ngoài ra, kiểu nhà sàn được lợp bằng ngói cũng rất phổ biến ở Ba Bể, và một số đình gia đã có sự cách tân khi xây nhà trực tiếp lên nền đất.

Cư dân người Tày vốn nổi tiếng với nghề dệt và thêu thổ cẩm. Họ thường sử dụng những sản phẩm thêu dệt làm ri-đô ngăn phòng, rèm cửa, địu, tay nải và khăn trải bàn... Thổ cẩm còn giữ một vị trí đáng kể trong đời sống tinh thần và tình cảm của người Tày. Đó là món quà ngày cưới mà cô dâu mang về nhà chồng, là quà tặng cho trai gái yêu nhau, hay quà mừng đầy tháng của đứa trẻ...

- Nguyên liệu chính của thổ cẩm là sợi được nhuộm thành nhiều màu khác nhau, rồi được dệt bằng khung. Khung dệt của người Tày có kích thước lớn nhất và phức tạp nhất so với các loại khung dệt khác được tìm thấy ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở quanh hồ Ba Bể vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhằm tạo thu nhập thêm cho gia đình, đồng thời góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá cho các thế hệ sau.

Theo truyền thống, người Tày quanh hồ Ba Bể thường chăn nuôi, đánh bắt cá và canh tác lúa nước ven hồ, sông, suối. Lịch mùa vụ được đánh dấu bằng lễ hội Lồng Tồng - Lễ hội xuống đồng. Đây là dịp tụ họp, nhân kết thúc vụ thu hoạch để cúng tạ ơn thần nông đã phù hộ cho dân làng làm ăn no đủ, đồng thời cầu mùa, cầu mưa cho năm tới được bội thu, và dân làng được khoẻ mạnh ấm no.

- Lễ hội Lồng Tồng là một trong những lễ hội đặc sắc nhất trong vùng, được tổ chức ngay bên hồ Ba Bể vào ngày mồng 10 Tết Âm Lịch hàng năm. Vào dịp lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức các loại bánh gio, bánh trời, xôi ngũ sắc, trứng vịt xanh đỏ... được xem đánh yến, đánh còn, xem chọi bò, bắt vịt và đua thuyền độc mộc

Người Tày có truyền thống âm nhạc riêng và vẫn duy trì được ảnh hưởng mạnh đến văn hoá trong khu vực. Nhạc cụ đặc biệt nhất của người Tày là đàn tính, có dây dài với hộp âm hình bán nguyệt ở cuối. Họ còn lập nhóm biểu diễn để phục vụ du khách khi có dịp đến thăm.

Đến hồ Ba Bể, mãn nhãn với cảnh quan thơ mộng, và ở nhà sàn của người Tày trong bản Pác Ngòi hoặc bản Bó Lù, như một dịp để du khách tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống nơi đây, thưởng thức các món đặc sản địa phương, và chìm đắm cùng điệu hát then, tiếng đàn tính mê ly của người Tày bản địa.

Mục lục

Du lịch Bắc Kạn
          - Hồ Ba Bể
                    - Đảo Bà Góa
                    - Ao Tiên
                    - Động Puông
                    - Thác Đầu Đẳng
                    - Đền An Mã
                    - Bản Pác Ngòi
                    - Động Hua Mạ