Địa điểm du lịch

Du lịch Bắc Giang với 3 sản phẩm đặc trưng

01/09/2016 - 2280 view
Du lịch Bắc Giang với 3 sản phẩm đặc trưng

Nghị quyết số 44 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ngày 30/3/2016 đề ra nhiệm vụ xây dựng ba loại hình sản phẩm du lịch gồm: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng. Đây là “chìa khóa” quan trọng nhằm đưa ngành du lịch Bắc Giang bước sang trang mới.

Khai thác thế mạnh các địa phương

Những năm gần đây, du lịch tỉnh Bắc Giang có bước chuyển mạnh mẽ, nhất là trong xây dựng quy hoạch, hạ tầng, xúc tiến quảng bá và thu hút đầu tư. Theo một số chuyên gia Vụ Lữ hành Việt Nam (Tổng cục Du lịch), yếu tố quan trọng nhất quyết định tính cạnh tranh của điểm đến là sản phẩm du lịch, đó là tổng hợp các loại hình dịch vụ. Để thu hút khách, sản phẩm phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản như: Mức độ hấp dẫn dựa trên tính khác biệt, môi trường tự nhiên và xã hội, sự thuận lợi trong tiếp cận điểm đến (thủ tục, phương tiện), hình ảnh, thông tin điểm đến. Tiềm năng du lịch Bắc Giang đang được khơi dậy cùng với sự thu hút đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ từ hạ tầng đến các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm, cơ sở lưu trú với liên kết rộng rãi đến các địa phương trong tỉnh.

Hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đã định hướng sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn hệ sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa. Ông Trương Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: Địa phương đã định hướng phát triển trọng tâm sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh; sinh thái - nghỉ dưỡng; thể thao - giải trí. Trong đó huy động nguồn xã hội hóa thực hiện các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích trọng điểm chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Kem và Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, khu dịch vụ sân golf. Huyện sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú cao cấp tại khu vực núi Nham Biền. Huyện Việt Yên cũng xác định sản phẩm du lịch đặc trưng là văn hóa - tâm linh, làng nghề nên từ năm nay đã thực hiện nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng. Bước đầu đã rà soát, bổ sung quy hoạch cho các khu, điểm du lịch. Các huyện Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động, Yên Thế, Lục Ngạn đều tập trung đầu tư cho các sản phẩm du lịch kể trên nhằm đánh thức sự nhận biết của khách đến du lịch Bắc Giang.

Lộ trình hình thành các sản phẩm

Ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Lựa chọn xây dựng sản phẩm du lịch gồm: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng là phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tuy nhiên, mỗi địa phương có thể mở rộng sản phẩm dựa vào lợi thế từ thiên nhiên, văn hóa, có sự tham gia tích cực của cộng đồng sở tại. Khi được khơi dậy, khai thác hiệu quả sẽ giảm bớt những chi phí đầu tư lớn ban đầu, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm du lịch Bắc Giang thấp. Sản phẩm mang bản sắc riêng của tỉnh sẽ được đầu tư đồng bộ, tạo ra trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Bên cạnh môi trường, cảnh quan và nền văn hóa giàu bản sắc, tỉnh Bắc Giang có thuận lợi là nằm trong vùng liên kết với các tỉnh thành lớn như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên... Việc di chuyển giữa các điểm đến không mất quá nhiều thời gian; cơ sở hạ tầng, chuỗi các dịch vụ mua sắm, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí cao cấp đang hoàn thiện. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư tại Tây Yên Tử, núi Nham Biền, hồ Khuôn Thần, Suối Mỡ, Bổ Đà... Qua đây tạo ra bức tranh du lịch nhiều gam màu sáng, là nền tảng bước đầu để du lịch Bắc Giang tiếp tục phát triển lên tầm cao hơn.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, phải mất từ 5 đến 10 năm để xây dựng một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Theo kế hoạch của UBND tỉnh đến năm 2020, du lịch Bắc Giang sẽ hình thành các sản phẩm du lịch rõ nét và có địa chỉ cụ thể để giới thiệu với du khách. Lộ trình đến năm 2018, sẽ có sản phẩm du lịch tâm linh - sinh thái kết hợp một phần nghỉ dưỡng mang thương hiệu Tây Yên Tử.

Ông Nguyễn Phúc Thương nhận định: Trước sự cạnh tranh lớn như hiện nay, nhất là nhiều địa phương trùng sản phẩm du lịch với Bắc Giang thì việc xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng, có thương hiệu, chất lượng cao là rất quan trọng. Bên cạnh liên kết với các địa phương trong khu vực để hút khách, du lịch Bắc Giang sẽ hình thành những điểm đến thân thiện, văn minh, hiếu khách, bảo đảm tính bền vững.

Để xây dựng thành công ba sản phẩm du lịch sẽ cần thực hiện nhiều giải pháp và đầu tư đồng bộ, có sự tham gia, vào cuộc với quyết tâm cao của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân. UBND tỉnh đã phân kỳ thời gian, phân công nhiệm vụ và lựa chọn từng việc làm cụ thể theo hướng ưu tiên, tập trung và không dàn trải. Năm 2017, sẽ khởi động nhiều nội dung như tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tại Hà Nội. Năm 2018, tỉnh sẽ tổ chức các sự kiện quảng bá, mời các tổ chức, doanh nghiệp lữ hành trong nước khảo sát du lịch, tổ chức hội nghị xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch tại TP Hồ Chí Minh, qua đó kết nối các doanh nghiệp đưa khách đến Bắc Giang. Song hành với đó là hoàn thiện hệ thống công cụ xúc tiến du lịch như: Clip, phim du lịch, cẩm nang du lịch Bắc Giang, bản đồ, tờ rơi, tờ gấp, poster ảnh, quà tặng...

TTXT du lịch Bắc Giang

Mục lục

Du lịch Bắc Giang
          - Đồng Cao
          - Khe Rỗ
          - Hồ Cấm Sơn
          - Làng Thổ Hà
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang